ClockThứ Bảy, 23/02/2019 06:45

Chủ động ngăn chặn “tour 0 đồng”

TTH - Dù ở Huế chưa phát hiện “tour 0 đồng”, song vẫn không thể chủ quan vì địa phương ngay bên cạnh là Đà Nẵng đã xuất hiện.

1/3 lượng khách quốc tế đến Việt Nam là người Trung Quốc

Khách mua hàng lưu niệm tại các điểm tham quan

Điểm đến chịu thiệt

Theo Phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch, cụm từ “tour 0 đồng” khiến nhiều người nghĩ đó là tour miễn phí, nhưng thực chất không phải thế, du khách vẫn phải trả phí để đi du lịch. Tuy nhiên, lý do để gọi là “tour 0 đồng” là bởi nguồn thu tại điểm không có. Cụ thể như những “tour 0 đồng” xuất hiện tại TP. Đà Nẵng thời gian qua, lữ hành phía Trung Quốc và Hàn Quốc đưa khách sang. Các dịch vụ ăn uống, ngủ, nghỉ, mua sắm… danh nghĩa là do các doanh nghiệp Đà Nẵng cung cấp, nhưng đều do những người trong hệ thống lữ hành này bán và họ sử dụng hệ thống thanh toán riêng để chuyển thẳng tiền qua bên nước của họ.

Với việc tổ chức những “tour 0 đồng”, chỉ có những doanh nghiệp, cá nhân trong “đường dây” này trục lợi. Điều đáng nói là, ở “tour 0 đồng”, có sự tiếp tay của những doanh nghiệp của Việt Nam. Thay vì cung cấp dịch vụ và nhận kinh phí theo thỏa thuận, dựa vào hiệu quả kinh doanh để đóng thuế cho Nhà nước nhưng các cá nhân, doanh nghiệp tham gia vào “tour 0 đồng” cung cấp dịch vụ và ăn hoa hồng lớn và không kê khai nộp thuế.

Ông Lê Ngọc Sanh, Chánh Văn phòng Sở Du lịch thông tin, một thực trạng khác là những người tổ chức “tour 0 đồng” hạ giá tour để câu khách. Sự cạnh tranh của “tour 0 đồng” đến mức xảy ra hiện tượng “mua đoàn”. Khi sang Việt Nam, những doanh nghiệp này đưa khách đến những nơi mua sắm, dịch vụ trong hệ thống riêng với giá bán “cắt cổ” để bù lại chi phí tour. Như vậy, “tour 0 đồng” đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh du lịch Việt Nam nói chung và mỗi địa phương mà khách đến nói riêng. Biến tướng hoạt động kinh doanh lữ hành này khiến ngành du lịch các địa phương rất khó để quản lý.

Mỗi du khách đến đều mang nguồn thu, quan trọng là kiểm soát “tour 0 đồng”  (Du khách tham quan lăng Minh Mạng)

Giám đốc một công ty lữ hành ở Huế cho biết, để xảy ra tình trạng này là do một số lữ hành ở Việt Nam đã “chống lưng” cho các lữ hành nước ngoài để lách luật. Cũng giống như “sitting guide” (hướng dẫn viên), đi theo đoàn chỉ để “ngồi chơi” và đối phó với các cơ quan chức năng, còn mọi hướng dẫn, cũng như các vấn đề liên quan của hướng dẫn viên du lịch đều do người nước ngoài thực hiện. Khi đó, những thông tin sai lệch về điểm đến là điều khó có thể tránh khỏi.

Chủ động thanh kiểm tra

Vị giám đốc doanh nghiệp lữ hành trên khẳng định, thời gian qua, doanh nghiệp có nhận được một số đề nghị hợp tác tổ chức dịch vụ cho “tour 0 đồng” từ phía đối tác ở Đà Nẵng, khi đối tác này đưa khách ra Huế tham quan. Doanh nghiệp này đã từ chối vì như thế là sai quy định của pháp luật và không lâu dài.

Theo Thanh tra Sở Du lịch, thời gian quan, lực lượng liên ngành đã tiến hành nhiều đợt thanh kiểm tra tại các cơ sở lưu trú, doanh nghiệp lữ hành và các điểm tham quan sau khi rộ lên “tour 0 đồng” ở một số địa phương trong cả nước. Đến nay, Huế chưa phát hiện tình trạng này. Dù thế, ngành du lịch tiếp tục có kế hoạch kiểm tra, nhất là với các lữ hành có tổ chức tour cho dòng khách đã sử dụng “tour 0 đồng” đã ghi nhận tại các địa phương khác thời gian qua.

Lãnh đạo Sở Du lịch khẳng định, mấu chốt để khắc phục “tour 0 đồng” là quản lý và kiểm soát tốt hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành. Bởi với “tour 0 đồng” mà lữ hành ở Huế không nhận lời hợp tác thì phía đối tác nước ngoài sẽ không thể triển khai. Ngành sẽ có chế tài xử lý đối với hành vi “mua đoàn” hoặc bán lại đầu khách cho hướng dẫn viên. Nếu phát hiện sẽ tước giấy phép hành nghề hướng dẫn và giấy phép lữ hành quốc tế đối với doanh nghiệp.

Mới đây, Tổng Cục Du lịch yêu cầu một số địa phương phải quản lý tốt hơn các điểm mua sắm, bởi ở đây chủ yếu thu ngoại tệ. Một giải pháp được Tổng cục đưa ra là các địa phương cần thành lập đội phản ứng nhanh với số điện thoại đường dây nóng cho các ngôn ngữ Trung, Hàn. Đây là những thị trường khách thường xuyên tổ chức “tour 0 đồng”. Cung cấp số điện thoại đường dây nóng công khai tại khách sạn, sân bay, khu tuyến điểm du lịch, xe vận chuyển nhằm đảm bảo khách dễ dàng phản ánh, khiếu kiện.

Theo các chuyên gia, đối với “tour 0 đồng”, khách du lịch khi đến vẫn phải mua vé tham quan, phương tiện để di chuyển, sử dụng các dịch vụ… vì thế vẫn thu được lợi nhuận từ khách. Nếu kiểm soát tốt và có các giải pháp để xử lý việc lách luật, trốn thuế, Huế nói riêng và các địa phương vẫn có sự phát triển về nguồn khách ở nhiều tiêu chí, nhất là nguồn thu.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng

Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, ông Lê Ngọc Tuấn trao đổi, mùa nắng nóng được dự báo bắt đầu từ những ngày cuối tháng 3 này. Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo nắng nóng diễn ra gay gắt, diễn biến phức tạp khiến rủi ro, nguy cơ cháy rừng cấp độ cao. Hầu hết các cánh rừng trên địa bàn tỉnh, nhất là rừng thông cảnh quan, đặc dụng, rừng phòng hộ, keo tràm, kể cả dương liễu vùng cát đều có nguy cơ cháy.

Chủ động ứng phó nguy cơ cháy rừng
Ngấm ngầm mua bán trái phép hóa đơn

Dù ngành chức năng đã có những giải pháp để ngăn chặn tình trạng mua bán trái phép hóa đơn (HĐ), nhưng vấn nạn này vẫn âm ỉ xảy ra trong đời sống xã hội.

Ngấm ngầm mua bán trái phép hóa đơn
Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới

Khảo sát của Booking.com chỉ ra 7 xu hướng du lịch được du khách yêu thích trong năm 2024. Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi để đáp ứng các xu hướng mới về du lịch. Vấn đề đặt ra là sự chủ động trong việc nắm bắt và khai thác lợi thế.

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới

TIN MỚI

Return to top