ClockThứ Tư, 10/01/2018 08:13

Chủ động giữ khách bằng các tour tuyến riêng

TTH - Vì sao Huế không giữ chân du khách lâu hơn? Một phần lý do được chỉ ra là Huế quá phụ thuộc vào các hãng lữ hành ở nơi khác, chưa thể tạo ra tour tuyến riêng để tự điều phối khách theo ý muốn.

Ra mắt tour du lịch “Sáng Thủy Biều – Chiều Tam Giang”Thêm tour du lịch mới tại huyện Phú Lộc, Phú Vang và thị xã Hương TràAnh hủy tất cả các tour du lịch, sự kiệnKhảo sát tour “Con đường thiên nhiên”Giới thiệu tour tuyến về phá Tam Giang

Hoạt động lữ hành quyết định khách đến với mỗi điểm đến (Trong ảnh: Khách vào tham quan Huế)

Không thể quyết định số ngày lưu trú

Con số từ Sở Du lịch cung cấp sẽ khiến nhiều người bất ngờ, Huế có gần 100 doanh nghiệp lữ hành, trong đó, có 49 lữ hành quốc tế. Năm 2017, Huế đón 1,5 triệu lượt khách quốc tế, trong 49 lữ hành quốc tế thì trực tiếp đưa khách về cho Huế chỉ chiếm 3%. Con số này cho thấy, khách đến Huế chủ yếu phụ thuộc vào ngoại lực.

Khi đã phụ thuộc vào bên ngoài thì Huế hoàn toàn bị động trong việc giữ chân khách, không quyết định được số ngày ở lại Huế. Nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (chủ nhà hàng Ý Thảo) phân tích, hoạt động lữ hành là hạt nhân xoay chuyển cả hoạt động của ngành du lịch. Bởi, lữ hành là bộ phận thiết kế chương trình du lịch, thiết lập giá cả, quảng bá tour tuyến để thu hút nguồn khách và quan trọng nhất là đưa khách đến với các điểm đến. Hiện nay, đa số khách mua tour và trong quá trình đi du lịch theo tour, khách muốn đi ngoài chương trình cũng không được vì đã cố định. “Khi đã phụ thuộc, hay nói cách khác là “vận mệnh” của du lịch Huế đang do người khác quyết định. Nhà hàng của tôi đón nhiều du khách, tôi biết nhiều khách sáng Đà Nẵng ra, ăn bữa trưa và chiều lại vào, chứ không lưu trú ở Huế. Như vậy thì chi phí của khách ở Huế sẽ thấp”, ông Nguyễn Xuân Hoa cho biết.

Mặt bằng chung, không chỉ có Huế phụ thuộc và nối tour từ các hãng lữ hành lớn ở hai đầu, một số địa phương khác cũng phải phụ thuộc. Không muốn so sánh, nhưng phải nhìn nhận khách đến Đà Nẵng nhiều hơn là do họ có sân bay tốt, tần suất nhiều hơn và giá rẻ hơn. Điều này quyết định lữ hành hai đầu khi đưa khách đến miền Trung thì đáp máy bay xuống ở Đà Nẵng. Khi đã xuống Đà Nẵng thì lữ hành nơi đây sẽ quyết định về tour tuyến. Huế lại trở thành điểm phân phối cấp 3, do đó ngoài lữ hành hai đầu, Huế đang còn phụ thuộc thêm lữ hành ở Đà Nẵng.

Ông Trần Đình Minh Đức, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành, Sở Du lịch nhận định, ngoài nguyên nhân sản phẩm du lịch ở Huế có nhiều nhưng làm chưa đến nơi, các lữ hành không phối hợp với nhau để làm tour lớn thì Huế đang vấp phải là các sản phẩm không phân khúc được thị trường, một sản phẩm cho tất cả các thị trường và các sản phẩm cứ “dẫm chân” lên nhau.

Chuyến khảo sát tour tuyến trong tháng 12/2017 của CLB Lữ hành UNESCO có đề cập thực trạng, thời gian qua chỉ xem Huế như một điểm dừng chân. Số ngày mà các lữ hành hàng đầu này thiết kế tour miền Trung thì Huế chỉ một ngày, hiếm lắm mới ở lại hai ngày, đôi khi không có đêm nào. Nguyên nhân được các lữ hành chỉ ra là chỉ biết Huế có di sản, thêm nguyên nhân khách quan do xung quanh Huế có quá nhiều lựa chọn.

Một thành viên CLB Lữ hành UNESCO cho rằng: “Du lịch Huế như bị ngủ quên một thời gian dài”. Và chính việc ngủ quên này đã khiến Huế thiếu “bóng” những lữ hành lớn.

Sân bay Phú Bài đã có chủ trương nâng cấp và mở rộng, tương lai sẽ có nhiều chuyến bay đưa du khách đến Huế

Nên chăng lại có lữ hành Nhà nước

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, từ những nguyên nhân được chỉ ra, Huế cần có một lữ hành đủ lớn để thiết kế tour riêng cho Huế, chủ động kết nối và đưa khách về. Ông Nguyễn Xuân Hoa cho rằng, nếu tư nhân không đủ lực thì Huế cần hình thành một doanh nghiệp Nhà nước như Hương Giang Travel trước đây, từng là lữ hành lọt vào top 10 Việt Nam. Chính lữ hành này đã cầm trịch du lịch Huế một thời gian dài.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, ý kiến có lữ hành lớn để chủ động trong thu hút khách là không sai trong bối cảnh mà hoạt động lữ hành của Huế còn yếu. Tuy nhiên, hiện nay không có cơ chế để bảo hộ hay hình thành một doanh nghiệp Nhà nước. Hơn thế, nguồn lực và nhân lực của ngành cũng sẽ không đủ để triển khai nếu có cơ chế đặc biệt đó.

“Dựa trên yếu tố, hiện nay doanh nghiệp Huế chỉ trực tiếp giải quyết 3% lượng khách, nếu thêm một doanh nghiệp nữa thì sẽ tăng nhưng không đáng kể. Do đó, để giải quyết khó khăn này, thời gian qua ngành du lịch đã triển khai giải pháp và sẽ thúc đẩy mạnh hơn trong năm 2018. Cụ thể, ngành đã chủ động làm việc với các lữ hành lớn, chứng minh Huế đa dạng sản phẩm và có một số cơ chế hỗ trợ để khi làm tour các lữ hành này tăng thời gian lưu trú ở Huế. Ngoài ra, liên tiếp mời các lữ hành lớn về Huế khảo sát để thiết kế tour. Hơn thế, xu thế của tương lai du khách sẽ tự đặt tour thông qua các trang mạng trực tuyến, nên việc kết nối với Traveloka, TripAdvisor, Ivivu… sẽ hiệu quả hơn”, ông Lê Hữu Minh phân tích.

Dù triển khai giải pháp gì đi chăng nữa, thì lữ hành ở Huế phải chủ động xây dựng tour và đưa khách về Huế theo “kịch bản” có lợi cho Huế nhất mới hiệu quả lâu dài. Lữ hành Huế cần mạnh hơn và cần thiết thì Huế vẫn có thể tạo ra một cơ chế đặc biệt nào đó.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới

Khảo sát của Booking.com chỉ ra 7 xu hướng du lịch được du khách yêu thích trong năm 2024. Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi để đáp ứng các xu hướng mới về du lịch. Vấn đề đặt ra là sự chủ động trong việc nắm bắt và khai thác lợi thế.

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới
Giữ nghề đan chiếu Âmber

Theo tục lệ của người Tà Ôi, trong các lễ cưới hỏi truyền thống, người con gái sẽ phải mang theo chiếu sính lễ (chiếu Âmber) để thể hiện tình yêu thương đối với nhà trai. Tùy theo điều kiện kinh tế mà đàng gái có thể đem một hoặc càng nhiều chiếu càng tốt. Phong tục này vẫn được lưu truyền, bởi thế, nghề đan chiếu Âmber vẫn còn lưu giữ cho đến ngày nay…

Giữ nghề đan chiếu Âmber
Đảm bảo lượng máu phục vụ điều trị và cấp cứu ngày tết

Chiều 10/2 (Mùng 1 Tết), Bệnh viện Trung ương (BVTW) Huế cho biết, Trung tâm Huyết học truyền máu của đơn vị đảm bảo cung cấp đầy đủ máu và chế phẩm máu điều trị và cấp cứu ngày tết cho 11 cơ sở thuộc 4 tỉnh thành ở Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình.

Đảm bảo lượng máu phục vụ điều trị và cấp cứu ngày tết
Tăng trải nghiệm cho khách từ hộ chiếu du lịch

Ứng dụng “Hộ chiếu du lịch Huế - Hue City Passport” vừa ra đời sẽ giúp tăng thêm sự mới mẻ trong hành trình khám phá Huế của du khách. Ngành du lịch tỉnh đang tiếp tục chuyển đổi số để tạo thêm nhiều tiện ích và trải nghiệm cho du khách.

Tăng trải nghiệm cho khách từ hộ chiếu du lịch

TIN MỚI

Return to top