ClockThứ Tư, 12/06/2019 06:45

Chủ động đón khách du lịch tàu biển

TTH - Chỉ tính riêng nửa năm tới (tháng 7/2019 – 3/2020), sẽ có 19 lượt tàu biển loại trọng tải lớn, mang theo 3.000 – 5.000 khách trên mỗi chuyến đến Huế. Quan trọng hơn, khách cập cảng Chân Mây chủ yếu mang quốc tích châu Âu và dòng khách này luôn chọn Huế để đi tham quan.

Lăng Cô chuẩn bị đón khách mùa lễ hộiKhám phá tết Huế với những điều khác biệtDu khách “xông đất” Huế trong tiết trời khá đẹp

Du khách xuống cảng Chân Mây để tham quan Huế và các địa phương lân cận

Cơ hội mới

Chỉ 10% khách tàu biển khi cập cảng Chân Mây lên TP. Huế tham quan và mua sắm nhiều năm qua là con số khiêm tốn đã được phân tích nhiều lần, tìm nguyên nhân. Theo ông Trần Lực, Phó Giám đốc Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng, khách tàu biển hiện có hai thị trường chính, khách châu Âu và khách Trung Quốc. Nếu chuyến tàu đến là khách Trung Quốc thì sẽ không chọn Huế tham quan, còn ngược lại, nếu là khách Âu thì Huế là sự ưu tiên số một. 

Từ đầu năm 2019, thị trường khách tàu biển đến Huế có sự chuyển dịch từ khách Trung Quốc sang khách châu Âu. Hải trình của các hãng tàu biển lớn trên thế giới cũng có sự chuyển dịch sang khu vực Đông Nam Á nhiều hơn. Việt Nam nói chung và cảng Chân Mây nói riêng là điểm dừng quan trọng trong hải trình này. Số lượng khách trên mỗi tàu cũng tăng mạnh, thay vì chỉ những con tàu nhỏ, mang 700 – 1.000 khách trên mỗi chuyến, thì nay chủ yếu là tàu trọng tải lớn, đưa 3.000 – 5.000 khách trên mỗi chuyến.

Hai doanh nghiệp khai thác dòng khách tàu biển chính ở cảng Chân Mây hiện nay là Saigontourist và Công ty TNHH TM&DL Tân Hồng thông tin, kế hoạch các tàu biển đến Huế đến năm 2021 đã được lên danh sách, riêng từ tháng 7/2019 – 3/2020, có 19 lượt tàu biển loại trọng tải lớn, mang theo 3.000 – 5.000 khách trên mỗi chuyến (khoảng 80 ngàn lượt khách) đến cảng Chân Mây. Quan trọng hơn, khách chủ yếu mang quốc tịch châu Âu, dòng khách luôn chọn Huế để đi tham quan.

Trước đó, vào tháng 4/2019, lần đầu tiên, cảng Chân Mây đón tàu du lịch Costa Venezia với khoảng 6.200 du khách cùng thuyền viên và thủy thủ đoàn. Trước đây, Chân Mây chỉ đón những tàu tối đa 5.000 khách và thủy thủ đoàn. Nay loại tàu lớn hơn chọn để cập cảng, càng cho thấy cơ hội phát triển du lịch tàu biển cho Huế đang mở ra trước mắt.

Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Chân Mây cho biết, thời gian qua, để phục vụ khách tốt hơn, cảng đã xây dựng nhà vệ sinh mới đạt tiêu chuẩn; xây dựng thêm nhà bán hàng lưu niệm. Đặc biệt, cầu cảng số 1 sẽ được nâng cấp thành cảng chuyên về du lịch, theo đó, hạ tầng được đầu tư, dịch vụ sẽ chuyên nghiệp hơn. Đê chắn sóng cũng đang dần được hoàn thiện sẽ giúp các tàu du lịch yên tâm cập cảng kể cả vào mùa đông và tiến tới lưu lại qua đêm, tăng thời gian ở lại Huế lâu hơn.

Lượng khách châu Âu đến Huế bằng đường biển sẽ tăng trong thời gian tới

Chủ động giải pháp

Cơ hội thu hút khách tàu biển đang mở ra cho Huế, tuy nhiên, các doanh nghiệp chuyên khai thác dòng khách này nhận định, các sản phẩm chuyên cho dòng khách tàu biển ở Huế vẫn còn rất ít. Ngoài tham quan di sản, các dịch vụ khác còn chưa thể làm hài lòng được nhu cầu của khách, nhất là mua sắm.

Ngay cả Nhã nhạc Cung đình Huế là sản phẩm có sức hấp dẫn rất lớn với khách tàu biển, nhưng những show diễn dành riêng cho dòng khách này vẫn chưa có. Show diễn Nhã nhạc hiện nay ở Đại Nội có thời lượng 2 tiếng đồng hồ, quá dài đối với khách tàu biển vì thời gian để tham quan ở Huế cho mỗi tour chỉ vào khoảng 5 tiếng đồng hồ. Với khách tàu biển, các show diễn khoảng 30 – 45 phút được cho là phù hợp nhất.

Ông Trần Lực phân tích, trong xu hướng cạnh tranh về điểm đến, những chính sách hỗ trợ từ ngành du lịch sẽ tạo sức thu hút cho Huế. Nếu một đoàn khách tàu biển lên TP. Huế lên đến 1.000 người, khi vào tham quan di tích thì cần có chính sách giảm giá phù hợp. Cần đưa ra những khung giảm giá cụ thể, điều mà một số địa phương khác đang thực hiện để tăng khả năng “lôi kéo” du khách.

Một đặc trưng của khách tàu biển là luôn muốn mua sắm những sản phẩm đặc trưng của địa phương. Trong hành trình đến Việt Nam, không phải cảng biển nào cũng được khách lựa chọn dừng chân, nên hình thành trung tâm mua sắm với đa dạng các chủng hàng hóa khắp đất nước sẽ góp phần thu hút khách và tăng mức chi tiêu của khách nhiều hơn.

Các doanh nghiệp cho rằng, ngoài tham quan TP. Huế, điều cần làm nữa của Huế là xây dựng cảng Chân Mây và khu vực lân cận thành điểm đến thực sự với đa dạng các dịch vụ, chứ không chỉ là nơi tàu cập cảng. Ngoài khách đi tham quan thì khách ở lại tàu và thủy thủ đoàn chiếm khá lớn và những người này cũng có nhu cầu về mua sắm, sử dụng một số dịch vụ.

Cảng Chân Mây thông tin, đang lên kế hoạch đưa khách ở lại tàu và thủy thủ đoàn vào Laguna Lăng Cô sử dụng các dịch vụ, như spa, tắm biển, mua sắm… trong tương lai nữa là casino. Để tăng tính hấp dẫn, sẽ triển khai tour đạp xe từ cảng đến Laguna. Lăng Cô – Cảnh Dương đã được phê duyệt trở thành khu du lịch Quốc gia, hiện một số khu nghỉ dưỡng với những dịch vụ đẳng cấp được hình thành mới, hứa hẹn phục vụ tốt hơn khách tàu biển.

Để thu hút và khai thác dòng khách tàu biển hiệu quả hơn, tránh sự bị động như nhiều năm qua, Huế cũng cần tính đến thành lập một bộ phận điều hành, tổ chức và định hướng phát triển dòng khách tàu biển; tăng tính trách nhiệm, nâng hiệu quả trong phối hợp và hỗ trợ khách tốt hơn.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Đánh thức” tiềm năng du lịch

Với tiềm năng, thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, địa lý và văn hóa lịch sử, thị xã Hương Trà đang tích cực tìm hướng phát triển du lịch, dịch vụ trên địa bàn.

“Đánh thức” tiềm năng du lịch
Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

Du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 18 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2024, bằng giai đoạn “hoàng kim” năm 2019. Thừa Thiên Huế là một trong địa phương có thế mạnh về du lịch. Để góp phần đưa du lịch Việt Nam tăng tốc trên “đường đua”, du lịch Cố đô cần tận dụng những điều kiện thuận lợi, nhất là hợp tác thúc đẩy trao đổi khách du lịch giữa Việt Nam và các nước.

Du lịch trở lại “đường đua”, đẩy nhanh trao đổi khách hai chiều

TIN MỚI

Return to top