ClockThứ Ba, 12/11/2019 13:30

Chủ động đi trước

TTH - Khi di dời, giải tỏa xong Thượng thành, Eo bầu, Hộ thành hào, cơ hội cho phát triển du lịch sẽ được mở ra. Khai thác tốt chắc chắn sẽ tạo cho Huế “sức bật” mới trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Di dời, giải phóng mặt bằng Kinh thành Huế - bài 2: Trọn trách nhiệm với dânDi dời, giải phóng mặt bằng Kinh thành Huế - kỳ 1: Khi ý Đảng hợp lòng dân

Hộ thành hào đoạn cầu Thượng Tứ là nơi có thể khai thác tốt về du lịch

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh thành Huế được chia làm 2 giai đoạn; trong đó, giai đoạn 1 của dự án diễn ra từ 2019 – 2021, sẽ di dời 2.950 hộ dân ở các khu vực Thượng thành, Eo bầu, Hộ thành hào và tuyến phòng lộ. Được xem là “cuộc di dân lịch sử”, việc di dời không chỉ giúp các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống, mà còn đặt mục tiêu rất cụ thể là gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa, phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Với cụm Thượng thành, Eo bầu, Hộ thành hào, khi được giải tỏa, chỉnh trang xong, kết hợp với Kỳ Đài - đó không chỉ là điểm tham quan đơn thuần mà phải là một “phim trường” có một không hai của Huế. Trên Thượng thành sẽ là nơi tham quan, hình thành một số dịch vụ truyền thống, đẳng cấp. Ở dưới chân Thượng thành được chỉnh trang thành con đường đi bộ tham quan, đài ngắm cảnh. Với Hộ thành hào được làm sạch, hai bên trồng cây liễu rủ bóng xuống mặt nước, một số thuyền bè được thiết kế độc đáo lướt nhẹ trên Hộ thành hào, có thể hình thành “cầu Ô Thước” cùng những câu chuyện gắn với Huế để dẫn dắt du khách. Nhà dân xung quanh sẽ được chỉnh trang theo một thiết kế chung, khuyến khích người dân khai thác du lịch. Ban đêm trang trí đèn lồng, có ẩm thực, âm nhạc truyền thống…

Nhiều doanh nghiệp du lịch nhận định, ở Huế có nhiều khu vực có thể phát triển như dạng “Phượng Hoàng cổ trấn” ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc mà khách “nườm nượp” kéo đến và khu vực Thượng thành, Eo bầu, Hộ thành hào là lựa chọn phù hợp nếu có sự “đầu tư” nghiêm túc.

Thời gian để hoàn thành giai đoạn 1 của đề án di dời dân không phải dài, điều cần làm của Huế ngay từ bây giờ là sự chủ động. Song song với việc giải tỏa, đền bù, di dời là chủ động có kế hoạch, xây dựng một kịch bản phát triển du lịch. Không riêng gì du lịch mà ở tất cả các lĩnh vực, chỉ có sự chuẩn bị tốt, một động lực phát triển mới có thể giúp quá trình thực hiện suôn sẻ và nhanh đi đến mục tiêu “tạo sản phẩm du lịch, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà” đã được đề ra ngay từ ban đầu.

Nhìn lại du lịch Huế bao năm qua, phần lớn đang ở vào thế bị động hơn là chủ động. Người trong cuộc vẫn cho rằng, Huế nắm giữ quá nhiều lợi thế để phát triển và có thể bởi do sự dồi dào về tài nguyên đó mà du lịch Huế “thủng thẳng” bao năm qua.

Thế nên, Huế phải “xắn tay” sớm. Có hai phương án để phát triển Thượng thành, Eo bầu, Hộ thành hào cần được xác định ngay từ bây giờ. Nhà nước sẽ chủ công để thực hiện hoặc xã hội hóa để doanh nghiệp khai thác. Nếu là cơ quan Nhà nước khai thác như mô hình của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện nay, cần có một chuyên gia để giúp xây dựng kịch bản phát triển, có một đội ngũ thực hiện nhiệm vụ kinh doanh chuyên nghiệp, đội ngũ chuyên về quảng bá. Ở phương án xã hội hóa, cũng phải khẳng định từ bây giờ để kêu gọi đầu tư, thời gian để làm thủ tục, triển khai, sớm khai thác sản phẩm, hạn chế thời gian chuyển tiếp.

Trong các nguyên tắc để phát triển du lịch, sản phẩm luôn là yếu tố quyết định thu hút khách của điểm đến. Tất cả các mục tiêu từ chính sách, con người, quy hoạch… đều hướng đến hình thành được sản phẩm mới, có tính đặc trưng riêng. Điều mà Huế đang mong muốn thực hiện nhiều năm qua.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Vàng son một thuở

Lần đầu tiên, hơn 100 tài liệu có lưu hình dấu và bút tích ngự phê cùng nhiều hình ảnh về câu chuyện xây dựng Kinh thành Huế được tái hiện sinh động qua triển lãm ngay trên chính khu vực Kỳ đài, Thượng thành, Kinh thành Huế.

Vàng son một thuở
ĐỀ ÁN DI DỜI DÂN CƯ KINH THÀNH HUẾ:
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn II

Sau 5 năm triển khai thực hiện Đề án Di dời dân cư, giải phóng mặt bằng (DDDC, GPMB) khu vực I di tích Kinh thành Huế với tổng số hộ bị ảnh hưởng giai đoạn 1 khoảng 5.000 hộ, đến nay TP. Huế đã phê duyệt bố trí tái định cư cho 2.723 lô, đồng thời tiếp tục huy động nhân lực đẩy nhanh tiến độ giai đoạn II.

Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành giai đoạn II
Mây về trên Thượng thành

Nắng như rây bột vàng. Cái nắng suôn mỏng óng ánh màu tơ loang trên khoảng sân rêu bám. Đứa em Vân không còn làm ruộng nữa từ lúc vắng chồng. Mẹ lẽ ra ở với vợ chồng Vân nơi khu tái định cư ngoài Hương Sơ song đã về nhà gái út. Cây đào gần giếng, lần nào về đây Vân cũng ngắt một vài lá vo rồi ngửi, như thói quen ghiền một mùi hương, một ký ức.

Mây về trên Thượng thành
Return to top