ClockThứ Tư, 05/10/2022 07:31

"Chỗ đứng" cho sản phẩm làng nghề - Kỳ I: Làng nghề “độc lập tác chiến”

TTH - Là địa phương có khá nhiều nghề và làng nghề truyền thống (LNTT), song do thiếu liên kết trong sản xuất, mẫu mã chưa phong phú và giá cả đầu ra chưa thống nhất nên nhiều sản phẩm làng nghề trên địa bàn tỉnh khó tiêu thụ, nhiều nghệ nhân và thợ thủ công khó “sống” được với nghề.

Trải nghiệm Huế về đêmQuảng Điền tổ chức cuộc thi sáng tác, thiết kế mẫu mã sản phẩm mây, tre

Cách làm độc lập, quảng bá nhỏ lẻ, thiếu thông tin thị trường khiến nhiều cơ sở, hộ dân làng nghề khó tiêu thụ sản phẩm. 

 

Du khách thao diễn nghề làm gốm tại Phước Tích

Đầu ra bấp bênh

Hơn 60 năm gắn bó với nghề mây tre đan và 10 năm được UBND tỉnh công nhận nghệ nhân nghề truyền thống, song đến nay ông Thái Phi Hùng, nghệ nhân thiết kế mẫu và sản xuất hàng lưu niệm, thủ công mỹ nghệ (TCMN) tại HTX Mây tre đan Bao La chỉ có mức lương 5 triệu đồng/tháng, ngang bằng với mức thu nhập của một thợ thủ công bình thường.

“Do đa số sản phẩm đều làm thủ công nên tốn công nhiều, giá cả lại thấp do có quá nhiều sản phẩm của các làng nghề trong nước cạnh tranh nên thu nhập không thể cao hơn. Thôi thì, đã yêu, gắn bó và đam mê với nghề thì chấp nhận gác bỏ chuyện thu nhập để tiếp tục cống hiến”, ông Thái Phi Hùng chia sẻ.

Mây tre đan “sống được” ở Quảng Điền từ sau ngày HTX Mây tre đan Bao La, Thủy Lập khôi phục và phát triển nghề. Hiện, HTX Mây tre đan Bao La giải quyết hơn 100 lao động, doanh thu mỗi năm hơn 4 tỷ đồng. Để khẳng định thương hiệu và thu hút khách, thời gian qua, UBND tỉnh, huyện Quảng Điền và HTX đầu tư hơn 10 tỷ đồng xây dựng nhà trưng bày sản phẩm, cổng chào, chỉnh trang khuôn viên và trang bị máy móc thiết bị. Tuy nhiên, đầu ra cho sản phẩm làng nghề vẫn chưa như mong muốn.

Giám đốc HTX Mây tre đan Bao La, ông Võ Văn Dinh trăn trở: “Trước đây, HTX ký hợp đồng với các DN ở Hà Nội sản xuất theo mẫu để xuất hàng qua Trung Quốc. Mặc dù giá bán sản phẩm chưa cao, song đầu ra khá ổn định nên HTX khá yên tâm, không lo thiếu việc làm. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến nay, do thị trường Trung Quốc giảm sút, xuất khẩu đình trệ nên trong 2 năm 2020, 2021 và 9 tháng đầu năm nay, sản phẩm khó tiêu thụ, HTX phải tìm kiếm các nguồn khách lẻ, khách du lịch để duy trì việc làm cho bà con xã viên”.

Theo ông Dinh, do sản phẩm khó tiêu thụ, các đơn hàng không ổn định nên sản xuất cầm chừng dẫn đến thu nhập của bà con không cao, dao động từ 3,5 đến 4 triệu đồng/người/tháng. Đây cũng chính là lý do khiến HTX chưa thể đầu tư kinh phí thiết kế bao bì đóng gói để nâng cao giá trị sản phẩm, đồng thời phục vụ khách du lịch khi mua hàng nên kênh bán hàng tại HTX cũng gặp khó.

TP. Huế là một trong những địa phương có khá nhiều nghề và LNTT, như hoa giấy Thanh Tiên, tranh làng Sình (Phú Mậu), thêu (Thuận Lộc), đúc đồng (Phường Đúc)…, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Tuy nhiên, cùng với sự cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm “made in China”, sản phẩm của các làng nghề trong nước có giá thấp do sản xuất số lượng lớn và sử dụng máy móc hiện đại, nên nhiều sản phẩm làng nghề trên địa bàn đang đối mặt với tình trạng ế ẩm, khó tiêu thụ, chủ yếu dựa vào nguồn khách du lịch, không có mặt bằng trưng bày và sản xuất theo kiểu “độc lập tác chiến”!

Nghề mây tre đan khôi phục song thu nhập của người dân làng nghề rất thấp do tiêu thụ chậm, giá thấp

Cơ hội chưa được nắm bắt

Gốm Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền) là một trong những sản phẩm hồi sinh qua kỳ Festival Huế năm 2006. Qua hơn 15 năm khôi phục và phát triển, sản phẩm gốm ngày càng tinh xảo, sắc nét và mẫu mã đa dạng, không thua kém với các sản phẩm làng nghề nổi tiếng trong nước như gốm Bát Tràng, Chu Đậu, Thanh Hà… Song, khó khăn lớn nhất hiện nay của làng nghề vẫn là khâu tiêu thụ.

Chủ cơ sở gốm, ông Lương Thanh Hiền chia sẻ: “Mặc dù thời gian qua, UBND huyện Phong Điền đã quan tâm, tạo điều kiện cho người dân làng nghề quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua lễ hội “Hương xưa làng cổ” tổ chức vào các dịp lễ, Festival Huế, song các hoạt động này cũng chỉ giúp cơ sở quảng bá thương hiệu gốm, chứ tiêu thụ chưa nhiều và chưa ký kết được các hợp đồng kinh tế để sản xuất số lượng lớn”.

Theo ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, hiện du lịch cộng đồng tại làng cổ Phước Tích đã hình thành, đây là tiền đề để đưa du khách đến với làng gốm và các làng nghề trên địa bàn như mộc Mỹ Xuyên, đệm bàng Phò Trạch…, song các dịch vụ vẫn còn đơn điệu, thiếu chuyên nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu của du khách. Huyện đã xây dựng và phát triển nhãn hiệu “Hương xưa làng cổ” cho làng cổ Phước Tích. Đây là cơ hội để xây dựng được thương hiệu riêng cho Phước Tích, tiến đến tác động ý thức của du khách về một thương hiệu du lịch mới, đó là mô hình trải nghiệm làm đồ gốm gắn với làng nghề gốm Phước Tích, mô hình cung cấp dịch vụ ăn uống cho du khách gắn với các món ăn đặc sản của địa phương nhằm tạo chuỗi liên kết, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm ở các làng nghề.

Công tác khôi phục và phát triển nghề, LNTT, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn chậm, chưa đồng bộ. Sản phẩm có thương hiệu còn ít, thị trường tiêu thụ còn bó hẹp; sản xuất chủ yếu theo quy mô hộ gia đình, cơ sở nhỏ lẻ; công nghệ và thiết bị còn lạc hậu. Mặt khác, tính liên doanh, liên kết trong ngành nghề, làng nghề còn hạn chế; số doanh nghiệp, đơn vị đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho làng nghề chưa nhiều, trong đó nhiều sản phẩm TCMN, lưu niệm, quà tặng đã được quan tâm chế tác, đưa ra thị trường nhưng chưa đáp ứng kịp thời với nhu cầu của du khách do mẫu mã còn đơn điệu về kiểu dáng, bao bì, số lượng hạn chế nên vẫn chưa hấp dẫn khách dẫn đến khó tiêu thụ.

Bài, ảnh: Thanh Hương

(Còn nữa)

Kỳ II: Xây dựng chuỗi liên kết gắn với du lịch làng nghề

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Dấu carbon” trên sản phẩm

Khi ý thức được “dấu carbon” trên sản phẩm, mỗi người sẽ chọn được hướng đi, một lối sống, sinh hoạt phù hợp hơn...

“Dấu carbon” trên sản phẩm
Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển

Trong hành trình mở rộng và thu hút khách quốc tế từ đường tàu biển, sản phẩm du lịch vẫn được xem là yếu tố cốt lõi. Ngành du lịch tỉnh đang nỗ lực hợp tác với các đối tác để nghiên cứu, xây dựng sản phẩm và đưa khách lên TP. Huế du lịch, trải nghiệm.

Sản phẩm để hút khách du lịch tàu biển
Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

Không chỉ đảm nhận chức năng hàng lưu niệm, những sản phẩm được làm ra từ các làng nghề truyền thống còn mang trong mình sứ mệnh trang trí, đạo cụ cho những chương trình nghệ thuật. Những chiếc nón, hoa giấy, con diều đủ sắc màu đã giúp người xem hiểu hơn giá trị văn hóa làng nghề.

Sản phẩm làng nghề truyền thống lên sân khấu

TIN MỚI

Return to top