ClockChủ Nhật, 29/03/2020 15:47
Tạm dừng đón, nhận khách đặt phòng lưu trú:

Chia sẻ & cam kết chấp hành nghiêm túc

TTH.VN - Việc tạm dừng đón và nhận khách đặt phòng lưu trú là giải pháp thể hiện sự quyết liệt của Huế trong phòng chống dịch bệnh COVID-19, do đó, các cơ sở lưu trú cần chấp hành tốt để góp phần chống dịch bệnh hiệu quả.

Hàng quán đóng cửa hạn chế dịch COVID-19 lây nhiễm“Đi từng ngõ, gõ từng nhà”Quy hoạch du lịch trên nền tảng di sảnĐóng quán cà phê, kêu gọi người dân hạn chế tối đa ra khỏi nhàCòn một khách cũng phục vụNgành du lịch chấp nhận “đứng yên” để tương lai bứt phá

Nhân viên Khu nghỉ dưỡng Làng Hành hương trao đổi với du khách sau khi hết thời gian cách ly tại khu nghỉ dưỡng để trở về nước

Hỗ trợ xử lý

Sau hơn một ngày UBND tỉnh ban hành văn bản yêu cầu các cơ sở lưu trú trên địa bàn tỉnh tạm dừng đón, nhận khách đặt phòng mới kể từ 12h00 ngày 28/3, theo lãnh đạo Sở Du lịch, các doanh nghiệp, cơ sở đã chấp hành nghiêm túc. Sở Du lịch đang tiếp tục phối hợp với UBND các địa phương để kiểm tra, nhắc nhở và có các xử lý kịp thời.

Trên thực tế, lượng khách đến Huế những ngày vừa qua là rất ít, chủ yếu là khách nội địa. Ngoài ra, có một số ít khách quốc tế đã lưu trú từ trước đó, do chưa có vé máy bay về nước; một ít khách nước ngoài đến Huế làm việc, song lượng khách này đã đến từ trước đó.

Chị Lê Thị Mai Trang, Trưởng bộ phận Lễ tân, Khách sạn Hương Giang cho hay, đúng là khi yêu cầu không nhận khách đặt phòng mới được thông báo, khách sạn khá bất ngờ. Song nhận thấy việc tạm dừng đón khách khi dịch bệnh đang diễn biến phức tạp là điều phải làm lúc này, nên Hương Giang nghiêm túc chấp hành. Khách sạn đã liên hệ ngay với du khách, thông báo tình hình, cũng như cam kết sẽ dời phòng đến thời điểm thích hợp. Khách sạn cũng chính thức tạm thời đóng cửa từ 12h00 ngày 28/3.

Đối với Khách sạn Alba, chị Châu Thị Hoàng Mai, Giám đốc điều hành khách sạn cho biết, văn bản của UBND tỉnh về đến khách sạn là sát với thời điểm yêu cầu được áp dụng, do đó, khách sạn có một số lúng túng vào thời điểm đó. Khách sạn đã điện thoại ngay với khách và rất may một số khách vui vẻ thông cảm. Một số khách khác liên hệ không được nên khách sạn đã thông báo đến lãnh đạo ngành du lịch để được hỗ trợ xử lý.

Hiện lượng khách ở Huế còn rất ít

Qua trao đổi với nhiều khách sạn, những thắc mắc được nêu ra là khách đã lưu trú từ trước đó có được tiếp tục phục vụ, hay phải ngừng hẳn. Nếu trường hợp khách đã đến Huế, có được nhận phòng. Hay trong trường hợp khách lẻ có nhu cầu đặt phòng, sẽ xử lý như thế nào…

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho biết, đối với các cơ sở lưu trú đang có khách theo hợp đồng dài hạn; khách đang tạm lưu trú do chưa có chuyến bay về nước; khách đã được xác nhận lấy phòng trước 12h00 ngày 28/3, vẫn sẽ duy trì hoạt động và nhận phục vụ số khách này cho đến khi kết thúc hợp đồng lưu trú, hay khách có chuyến bay về lại nước. Như trường hợp tại Khách sạn Alba, khách đã đặt trước đó và đã đến Huế, nên ngành du lịch phối hợp với Công an tỉnh kiểm tra, lấy khai báo y tế và linh hoạt để khách sạn nhận, chứ không thể “bỏ rơi” khách.

Tuy nhiên, các khách sạn nhận khách thuộc diện này cần lưu ý khách hạn chế đi lại, vận chuyển của khách đang lưu trú, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định.

“Riêng các trường hợp khách lẻ đến Huế rồi mới đặt phòng thì kiên quyết không nhận và các cơ sở cũng thông tin để khách thông cảm. Trong mọi trường hợp nếu có sự vướng mắc, các cơ sở lưu trú có thể liên hệ ngay với cơ quan quản lý về du lịch để được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn giải quyết kịp thời”, ông Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh.

Các khách sạn tiếp tục sát khuẩn định kỳ cơ sở của mình trong giai đoạn tạm dừng đón khách

Mong du khách hiểu

Lãnh đạo ngành du lịch chia sẻ, qua nắm bắt tình hình của các cơ sở lưu trú, có những tâm tư ở một số khách sạn vì đang duy trì đón khách lẻ, phần nào có nguồn thu để chi trả các chi phí. Song ngành đã động viên, đôi khi vì một lợi ích nhỏ trước mắt, nhưng ảnh hưởng rất lớn không ngờ sau này. Như trường hợp hai du khách Đan Mạch mắc COVID-19 gần đây đã đến Huế du lịch và có lưu trú. Khi đến Huế khách vẫn bình thường, nhưng khi ra Hà Nội mới có biểu hiện bệnh. Do đó, việc không nhận đặt phòng thời điểm này là đảm bảo an toàn cho tất cả cộng đồng, doanh nghiệp.

Ngành du lịch rất mong muốn các doanh nghiệp chia sẻ và chấp hành nghiêm túc, góp phần phòng chống dịch hiệu quả. Riêng với các khách sạn nhỏ và homestay, Sở Du lịch sẽ phối hợp với UBND TP. Huế tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở, tránh trường hợp vẫn nhận khách lẻ.

Được biết, ở Đà Nẵng yêu cầu không nhận đặt phòng mới của khách đã được đặt ra từ 00h00 ngày 28/3. Do đó, quy định tạm ngừng nhận đặt phòng của Huế được triển khai là có sự đồng bộ giữa các địa phương, tránh trường hợp khách di chuyển qua nhiều vùng, nguy cơ về lây lan dịch bệnh càng lớn.

Đối với du khách, ông Nguyễn Văn Phúc khẳng định, ngành sẽ có những thông tin, khuyến cáo đến du khách; đồng thời, thông tin đến các địa phương để thông báo rộng rãi đến du khách và hạn chế đến Huế thời điểm này; hoặc khách quá giang cũng nên sắp xếp thời gian phù hợp, để khi đến Huế tránh giờ khuya và phải lưu trú.

Ông Đinh Mạnh Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh nhận định: “Cùng với Đà Nẵng, Huế là địa phương đầu tiên trong cả nước tạm thời ngừng đón khách đặt phòng lưu trú. Trong tình hình hiện nay, đảm bảo an toàn là ưu tiên hàng đầu. Qua gần 2 ngày triển khai quy định, đa số các khách sạn 3-5 sao đã đóng cửa; một số vẫn duy trì phục vụ lượng khách rất ít là chuyên gia đến Huế công tác từ trước đó. Giữa lựa chọn đóng cửa và phục vụ khách nhưng phải chịu lỗ, nhiều khách sạn vẫn duy trì, đây là điều trân trọng và đáng ghi nhận, góp phần xây dựng hình ảnh du lịch thân thiện”.

 Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm

Một nghiên cứu quy mô lớn vừa công bố sáng nay (12/3) cho biết đại dịch COVID-19 đã khiến tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn thế giới giảm 1,6 năm trong 2 năm đầu tiên của đại dịch, một mức giảm nghiêm trọng hơn so với trước đây.

COVID-19 khiến tuổi thọ trung bình toàn cầu giảm 1,6 năm
Return to top