ClockChủ Nhật, 07/11/2021 20:52

Chè đắng

Mùa gió ấmMưa rơi ngoài ngõTựa cửa nhìn theo

Nơi chúng tôi nằm có rất nhiều chậu hoa nhỏ, mỗi một chậu cây đều có “hoàn cảnh ra đời” riêng. Chậu hoa bìm bìm tôi mang từ miền quê trung du Bắc bộ. Chậu hoa hồng nhỏ là của anh bạn người Lào tặng tôi trong một lần giao lưu đội sinh viên tình nguyện. Chậu hoa tỉ muội, tôi xin của người dân ven đường. Còn chậu hoa nhài thì… Bất chợt, thoảng trong làn gió tôi hít thật sâu để cảm nhận thấy hương hoa nhài, những bông hoa cuối mùa vẫn thơm nồng nàn đến lạ.

Bạn tôi bảo:

- Thuở xa xa, tất cả các loài hoa đều có màu trắng. Một ngày kia, có một hoạ sĩ đã đến khu vườn mang theo một hộp to đựng các loại mực màu và một nắm bút lông. Chàng họa sĩ ban cho các loài hoa màu sắc mà mỗi loài yêu thích, rất nhiều loài hoa biết cách khôn khéo nịnh nọt xin cho mình những màu sắc rực rỡ. Nhưng cũng có những loài hoa xin cho mình loại màu sắc mà các loài hoa khác không thích đến. Riêng hoa nhài không thèm xin xỏ, nên nó mãi mang cái màu trắng tinh khôi như buổi sơ nguyên ấy.

* * *

Tôi lớn lên đã không thấy sự hiện diện của mẹ. Tôi sống với ông và bố. Thuở nhỏ, mỗi lần thấy ông tỉnh dậy lúc nửa đêm hái hoa nhài là tôi tò mò lắm. Thế nào, tôi cũng phải thức cho bằng được, ghé mắt qua song cửa sổ nhìn từng động tác của ông. Bao giờ, ông tôi cũng đi hết lượt vườn nhài, thi thoảng cúi xuống ngửi từng bông hoa. Khi hái hoa ướp chè, ông thường chọn hoa mới nở, hái cho vào từng nắm chè đã được gói sẵn trong giấy báo rồi buộc chặt lại. Cứ đến mùa hoa nhài nở là đêm nào ông tôi cũng thức để ướp chè như thế. Mỗi khi ướp gói chè mới là ông lại dở gói chè đã ướp hương hoa từ hôm trước ra pha một ấm. Mỗi khi nhấp ngụm chè là ông lại nhìn ra vườn hoa nhài, rồi nhắm mắt lại, rõ ràng tôi thấy hai giọt nước mắt chảy trên gò má ông. Nhưng mỗi khi tôi hỏi:

- Sao ông lại khóc vậy bố?

- Ông không khóc, vì chè đắng quá nên ứa nước mắt ra thôi.

- Sao chè đắng mà ông lại thích uống?

- Vì ông quen rồi.

Sáng hôm sau, chờ cho ông tôi ra vườn hoa nhài là tôi lục tủ, mở trộm gói báo, lấy một nhúm chè của ông. Chè thơm lắm, hương chè quyện với hương hoa nhài tạo thành một mùi thơm rất khó để miêu tả. Tôi bỏ chè vào ấm và cũng tập pha chè, uống chè, nó đắng thật. Thế là từ đấy tôi tin lời bố nói là đúng, vì đắng quá mà nước mắt ông chảy ra.

Mẹ tôi mất. Không ai nói với tôi điều ấy cả, nhưng nhìn tấm ảnh trên bàn thờ tôi đoán đó là mẹ. Có đôi lần tôi định hỏi bố về mẹ, nhưng chẳng hiểu sao lại thôi. Có thể vì tôi sợ phải nghe bố thở dài. Có thể vì tôi không muốn bất cứ câu chuyện nào làm mình buồn. Vì ngay từ bé, sống một mình trong ngôi nhà không có bà và mẹ, một đứa trẻ như tôi đã thiếu thốn và không thể trốn chạy được cảm giác buồn phiền.

Đã rất nhiều lần, lúc nửa đêm, tôi thấy bố ngồi im lặng trước ban thờ nghi ngút khói hương. Bố tôi khóc. Khi mười tám tuổi, một đêm thức dậy nhìn bố tôi ngồi câm lặng. Tôi tưởng như vừa nhìn thấy ảo ảnh từ một thế giới rất xa xôi nào đó. Ngoảnh ra vườn, thấy ông tôi mặc quần áo trắng, đi như lướt trong một vườn hoa trắng. Mùi của hương nhang lẫn với mùi hoa nhài từ ngoài vườn thoảng vào làm tôi như lạc giữa một cõi u mê. Điều ấy dấy lên trong lòng tôi một nỗi hoang mang kỳ lạ.

Tôi hay lạc vào cõi mơ. Đấy là một thế giới rất riêng và rất đẹp. Ở đấy tôi thấy mình lạc vào một cánh đồng hoa nhài lúc nửa đêm. Tôi mặc váy trắng, cài hoa trắng trên đầu, đi như lướt trên thảm hoa trăng, gió và mùi hương khiến tôi mê đắm. Sau những giấc mơ như thế, bao giờ tôi cũng tự hỏi mình rằng đó có phải là thế giới cổ tích mà cô giáo ngày xưa vẫn kể hay không.

Tôi nhớ có lần ông mang nhang ra vườn nhài thắp, ấy là khi mộ bà tôi được chuyển từ nghĩa trang về. Từ ấy, tôi có cảm giác như vườn hoa nhài nở rộ, thơm hơn và cũng tinh khôi hơn nữa. Ông càng ngày càng thích quanh quẩn ngoài vườn. Ông trò chuyện cùng mộ bà, cùng bụi hoa nhài và đôi khi tôi còn có cảm tưởng ông đang trò chuyện với ai đó. Bố hay bảo:

- Con để cho ông yên tĩnh, đừng quấy rầy ông.

- Bà con là người thế nào ạ?

- Bà là một phụ nữ mà ông không khi nào quên được. Không khi nào hết.

Rồi bố thở dài, cái nhíu mày đầy đau khổ của bố mách bảo tôi một điều gì đó. Mẹ tôi chăng? Phải! Mẹ tôi là ai? Sao không một ai muốn trả lời giúp tôi câu hỏi ấy.

Tháng bảy, cây hoa nhài trong ký túc xá không còn nở thêm bất cứ bông nào nữa. Bạn tôi bảo, nhài Nhật nở vào mùa hè nên có lẽ phải tìm mua lấy một cây. Bất chợt trong giây phút ấy tôi nghĩ đến ông, ông sẽ làm gì khi vườn nhài không còn bông hoa nào nở nữa.

* * *

Bố điện bảo ông nội ốm nặng. Tôi hấp tấp về quê, đập vào mắt tôi đầu tiên là vườn hoa nhài đã héo khô quá nửa vì nắng hạn. Ông nằm đó, gầy rộc, mắt nhắm nghiền. Thấy tôi về, ông bảo đi pha cho ông một ấm trà đã ướp hoa nhài từ mấy tháng trước. Khi rót nước ấm vào chè, mùi hương nhài xộc lên mũi, tự nhiên nước mắt tôi ứa ra. Tôi thương ông hay thương những bụi hoa nhài đang héo khô ngoài vườn? Tôi không biết nữa. Nhưng tôi cứ có linh cảm rằng đến khi nào trong vườn không còn một cây nhài nào sống sót thì cũng có nghĩa ông tôi cũng không còn tồn tại trên đời này nữa. Ấm chè này phải chăng là ấm chè ướp hương nhài cuối cùng mà tôi được uống?

Tôi ở nhà một tuần, chỉ quanh quẩn chăm ông và đi xin nước tận xóm dưới về tưới cho mấy bụi hoa nhài. Bố tôi lại thở dài bảo:

- Nước hiếm, người còn chẳng có mà dùng lại còn phung phí tưới cho mấy cây nhài sắp chết. Con đúng thật là…

Tôi nhìn ông tôi nằm bất động trên giường, mắt vẫn nhắm nghiền lại càng cố xin được nhiều nước về tưới cho cây. Nhưng đến ngày thứ ba, ông gọi tôi vào bảo:

- Cháu không phải xin nước nữa. Đằng nào, chúng cũng sẽ chết. Chúng sống đủ rồi.

Tôi cứ cầm đôi bàn tay gầy guộc của ông mà khóc rưng rức như đứa trẻ. Trong giây phút ấy ông tôi mong manh hơn lúc nào hết. Ngày thứ sáu, ông gọi tôi lại bảo:

- Cháu gái có muốn nghe chuyện về bà nội cháu không?

- Cháu biết rồi. Có phải bà cháu là một người phụ nữ rất đẹp? Đẹp đến mức ông đã không thể nào quên được?

Ông cười, dù nụ cười rất yếu ớt nhưng tôi vẫn nhận ra một niềm hạnh phúc hiếm hoi của người già. Bố tôi nói, loài hoa nhài cuối cùng cũng đã đi theo ông về thế giới bên kia, ở đấy có bà tôi. Bố kể, bà tôi mất từ rất trẻ, khi bố vừa tròn mười tuổi. Nhưng suốt từng ấy năm trời, ông chưa khi nào tính chuyện đi bước nữa hay yêu thương một ai khác cả. Vì ông quá yêu bà, yêu những kỷ niệm thuộc về bà, thuộc về quá khứ. Nơi khu vườn mà bà đã bao năm trồng thật nhiều hoa nhài đi bán chợ phiên. Nơi chiều nào bà cũng ra vườn chọn những bông nhài thơm nhất để ướp trà cho ông và thả vào chậu nước bồ kết phơi ngoài sân để gội đầu. Ông rất yêu mùi hương ấy. Yêu đến mức khi bà mất đi, ông vẫn cố chăm tưới vườn nhài để chúng vẫn ra hoa đều mỗi vụ, để trong hộp chè như vẫn có bàn tay bà ướp cho ông mỗi chiều. Như mỗi đêm ông vẫn ngửi thấy mùi hương hoa trên tóc bà. Như thể bà chưa bao giờ thôi tồn tại trong ngôi nhà, khu vườn và thế giới của riêng ông.

Bố tôi lại đặc biệt ghét hoa nhài. Bố bảo loài hoa nào nở vào ban đêm đều là loại hoa lẳng lơ, thích ruồng bỏ. Tôi nghĩ mãi cũng không thể lý giải vì sao bố lại có định kiến với hoa nhài. Có lẽ nào điều đó lại liên quan đến mẹ?

Khi vườn hoa nhài chết, bố tôi thay vào đó là mấy cây xoài con. Bố bảo:

- Bố già rồi, trồng mấy thứ ấy về già còn có cây ra quả mà hưởng lộc. Hương hoa để làm gì, rút cuộc cũng chỉ là thứ phù du mà thôi. Rồi cũng theo gió rời bỏ khu vườn.

Tôi nghe sao thấy chạnh lòng buồn.

* * *

Cho đến tận bây giờ tôi mới biết vì sao bố lại ghét hoa nhài đến vậy. Bố nói những loài hoa nở là loài hoa lẳng lơ, nó sẽ dời bỏ ngay cả mảnh đất đã nuôi dưỡng nó. Mẹ tôi là một người đàn bà đẹp, còn bố chỉ là một trong số rất nhiều người đàn ông yêu mẹ. Mẹ lấy bố chỉ đơn giản là mẹ mang ơn bố quá nhiều. Bởi trong suốt những năm tháng khó khăn của cuộc đời, bố đã luôn ở bên chở che, làm chỗ dựa vững vàng cho mẹ. Nhưng người đàn ông mà mẹ trao gửi trái tim lại không phải là bố. Khi sinh tôi ra không được bao lâu, mẹ đã đi theo người đàn ông đó. Bố nói, đêm ấy vườn hoa nhài nở rất nhiều, thơm nức. Thấy mẹ trằn trọc, bố giục mẹ ngủ đi nhưng mẹ bảo muốn ra tắm hương hoa nhài ngoài vườn. Mẹ vẫn thường làm như thế, cũng thường ủ tóc bằng hoa nhài như bà nội. Nhưng đêm đó, bố đợi mãi không thấy mẹ đâu.

Đêm nay, bố đã bỏ bức ảnh mẹ trên bàn thờ xuống. Bố khóc, nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt càng ngày càng hốc hác. Tôi biết vào giây phút ấy bố đã hóa giải hết những thù hận trong lòng. Bố đã thật sự tha thứ cho lỗi lầm của mẹ. Tôi nghĩ về mẹ, về một cuộc kiếm tìm xa xôi nào đó…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”

TIN MỚI

Return to top