ClockThứ Tư, 05/06/2019 15:09

"Chặt chém" du khách cứ mãi tiếp diễn

TTH - Dù đã có nhiều giải pháp nâng cao ý thức, cũng như chế tài xử lý, nhưng vẫn còn những cá nhân cố tình “chặt chém” du khách, làm ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế.

Hơn 2,1 triệu lượt khách đến Huế từ đầu năm đến nayHuế chưa là điểm đến của các lữ hành hàng đầuĐiểm đến du lịch giáo dục của khách Nhật Bản

Chèo kéo khách ở Bến xe Nguyễn Hoàng

Những “con sâu”

Cách đây không lâu, chúng tôi từng phản ánh có một người bán hàng rong móc túi du khách ở Bến xe du lịch Nguyễn Hoàng. Sự việc được một hướng dẫn viên (HDV) phát hiện và số tiền 1 triệu đồng được trả lại cho khổ chủ. Hành động móc túi lộ liễu của người bán hàng rong nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và tạo ra dư luận không tốt cho ngành du lịch Huế. Song, người phụ nữ này hiện vẫn tiếp tục bán hàng rong, chèo kéo khách ở Bến xe du lịch Nguyễn Hoàng và không ai dám chắc đối tượng này sẽ không tiếp tục hành vi xấu của mình.

Sự việc chưa “nguội” trên diễn đàn du lịch thì một du khách lại bị người bán trái cây ở khu vực chùa Thiên Mụ bán 1,7kg măng cụt với giá 100 nghìn đồng, nhưng lợi dụng khách không biết mệnh giá tiền nên đã lấy 1 triệu đồng. Làn sóng dư luận càng phức tạp hơn, đến nỗi Chi hội HDV phải lên tiếng nên có những góp ý về giải pháp hạn chế tình trạng này, chứ không nên “ném đá” ngành du lịch.

Cũng trong thời điểm này, ngành du lịch lại nhận thêm phản ánh của một HDV khác rằng, khi khách mua 2 lon nước ngọt tại một quầy bán nước ở khu vực ngoài lăng Khải Định với giá 70 nghìn đồng. Cũng như trường hợp ở chùa Thiên Mụ, lợi dụng khách không biết mệnh giá tiền nên quầy nước lấy thành 700 nghìn đồng. Sau khi du khách nói với HDV và có cuộc trao đổi gay gắt qua lại, chủ quầy nước nói người bán hai lon nước đã cầm tiền đi và chỉ trả lại một nửa số tiền lấy của khách (350 nghìn đồng).

Thanh tra Sở Du lịch thông tin, dù không phổ biến, nhưng vẫn có một số cá nhân là những “con sâu” cố tình “chặt chém”, chèo kéo, móc túi… du khách. Không giống như trường hợp các tài xế xích lô, taxi… có sự kiểm soát của hội đoàn, doanh nghiệp, nếu có vi phạm xảy ra cũng dễ phát hiện, xử lý và có giải pháp ngăn chặn sớm, còn những người có hành vi vi phạm như thời gian gần đây chủ yếu bán hàng rong, buôn bán tự do ở các điểm du lịch, bến xe, bến thuyền nên khó kiểm soát, cũng như tuyền truyền nâng cao nhận thức.

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch nhìn nhận, với những người bán hàng rong, tự do ở các điểm du lịch, ngành du lịch đang nỗ lực để có những đợt tập huấn, nâng cao nhận thức, nhưng quả là không phải dễ. Như đợt tập huấn gần đây cho các tiểu thương bán ở các điểm du lịch, ngay cả các tiểu thương có cửa hàng cũng phải có sự can thiệp của công an phường mới chịu đi.

Tuyên truyền & chế tài

Nâng cao ý thức vẫn được xác định là giải pháp đầu tiên đối với những người bán hàng rong, buôn bán tự do. Tuy nhiên, điều đặt ra là làm sao để có thể huy động những đối tượng này. Việc tập huấn sẽ phải thường xuyên mới có thể đạt được kết quả. Lãnh đạo ngành du lịch cho rằng, thời gian qua, ngành du lịch tổ chức rất nhiều đợt tập huấn cho các tiểu thương, tài xế xích lô, taxi, bán hàng các điểm du lịch và ít nhiều đã có nhiều chuyển biến. Riêng với hàng rong, thời gian đến ngành du lịch sẽ tập trung để triển khai.

Với những cá nhân bán hàng rong, việc nâng cao ý thức là bài toán nhiều thách thức. Chúng tôi nhận thấy, nếu tự bản thân những người bán hàng rong, tự do không ý thức buôn bán một cách chân chính, mà lại nâng giá, “chặt chém” thì chính các người bán hàng rong sẽ chịu thiệt đầu tiên. Trước hết sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, sau đó, du khách sẽ không dám mua vì sợ bị lừa. Xa hơn, những hành vi đó sẽ ảnh hưởng đến hình ảnh du lịch Huế, du khách ít đến thì chính những người bán hàng rong này sẽ mất nguồn khách, không bán được hàng, thu nhập không có. Chỉ khi buôn bán chân chính mới lâu dài.

Theo ông Nguyễn Thái Hòa, Chánh Thanh tra Sở Du lịch, Huế đang triển khai phần mềm phát hiện hiện trường, ghi nhận tất cả các hành vi, sự việc trên mọi lĩnh vực, trong đó có du lịch. Những vụ việc nhanh chóng được phát hiện và cũng nhanh chóng được xử lý. Như trường hợp ở chùa Thiên Mụ vừa qua, sau khi tiếp nhận các cơ quan chức năng đã vào cuộc, tìm đối tượng và đã xử phạt hành chính về hành vi vi phạm. Đây là giải pháp kịp thời, chứng minh cho du khách biết ngành du lịch không đứng ngoài cuộc và những người vi phạm chỉ là những “con sâu” đang làm ảnh hưởng đến du lịch Huế.

Mới đây, đội phản ứng hiện trường về du lịch cũng được thành lập. Nhiệm vụ của đội là kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm, hướng đến “môi trường” du lịch sạch cho Huế.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nếu như năm 2022, sân khấu Việt có sự tăng tốc, bứt phá mạnh mẽ cả về lượng và chất, sang năm 2023, sân khấu Việt lại có phần ảm đạm. Đâu là lý do của tình trạng này và làm thế nào để sân khấu Việt "cất cánh" trong những năm tiếp theo là một “bài toán khó” mà những người yêu sân khấu đang nỗ lực tìm lời giải.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt cất cánh
Đề xuất giải pháp hoàn thành 130.000 căn nhà ở xã hội

Tại hội nghị do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội diễn ra ngày 16/3, Bộ Xây dựng đã kiến nghị nhiều giải pháp để đảm bảo mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024.

Đề xuất giải pháp hoàn thành 130 000 căn nhà ở xã hội
Return to top