ClockChủ Nhật, 07/02/2016 05:01

Chạm đến Tam Giang

TTH - Trong một lần trò chuyện, thật bất ngờ khi giới du lịch Huế gọi ông Trần Quang Hào-Giám đốc Huetourist bằng cái tên thân mật: Hào...Tam Giang. Hỏi chuyện, ông cười bảo: Đó là hành trình mười năm lặn lội với đầm phá...

Câu chuyện làm du lịch với Hào một chiều cuối đông cứ đứt đoạn. Nhiều hãng lữ hành gọi đặt tour Chiều trên phá Tam Giang do Công ty Huetourist tổ chức với khoảng 4.000 khách mỗi năm. ‘‘Khó khăn lắm mới được thế đấy chị ạ”, Hào thổ lộ, về hành trình gian khó tìm một hướng đi mới.

“Hào Tam Giang” trong một lần khảo sát đầm phá. Ảnh: K.Oanh

Tôi biết Hào cách đây hơn chục năm, khi ấy, anh vừa thất bại với hai tour tham quan rú Chá ở Hương Phong (Hương Trà) và cồn Chìm, bãi Đẻ ở Vinh Thanh (Phú Vang). Không lâu sau, lại thấy anh có mặt trong chuyến khảo sát du lịch Tam Giang cùng hơn chục doanh nghiệp do Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch tổ chức về đình Thủ Lễ, làng đan lát Thủy Lập, xem đổ nò. Khi ấy, danh xưng Tam Giang còn mới toanh với du lịch Huế, còn  Hào là một trong số ít những người làm du lịch trẻ.

Sau chuyến khảo sát, một hội nghị được tổ chức với nhiều câu hỏi lớn: Làm sao đưa khách về Tam Giang khi đường đi có nơi không đủ rộng cho xe 45 chỗ? Người dân địa phương chưa biết gì về du lịch. Không nhà hàng. Không điểm dừng chân. Không chỗ lưu trú. Không thuyền chở khách. Không nhà vệ sinh... Những điều kiện cần mà có lẽ, để có được, con đường phát triển du lịch cộng đồng ở Tam Giang sẽ còn phải đợi.

Bẵng đi một thời gian, khi câu chuyện du lịch Tam Giang có vẻ đã lắng thì bất ngờ,  Công ty Huetouris cho chào bán sản phẩm “Chiều trên phá Tam Giang” cách đây chưa lâu, với lịch trình đưa khách trải nghiệm đầm Chuồn nửa ngày.

Bánh xèo cá kình-món ăn được ưa thích trong tour Chiều trên phá Tam Giang. Ảnh: K. Oanh 

“Có lúc mình đã tính bỏ cuộc. Cho đến lúc về đầm Chuồn, một điểm đến chỉ cách Huế hơn chục cây số. Không ngờ cảnh sắc đầm Chuồn lại đẹp đến thế. Hoàng hôn  buông lên trời nước bức tranh sắc màu lộng lẫy. Thuyền trôi đi giữa nò sáo tít tắp. Bữa cơm tối trong ngôi nhà chồ vắt vẻo có món cá kình ngọt lịm, nhắm với rượu làng Chuồn uống đến đâu biết đến đó... Khi ấy, linh cảm nghề nghiệp mách bảo, mình đã chạm đến Tam Giang rồi”. Hào tâm sự, về cái duyên với “Chiều trên phá Tam Giang”.

Nhớ những ngày đầu vận hành tour, anh kể, lần đầu đưa 20 khách về. Thấy Tây lạ quá, trẻ con, người lớn chạy theo xem. Chó sủa om sòm. Mấy thanh niên ngồi nhậu ven đường ngà ngà say thấy  “cay mắt” nên to tiếng, làm khách sợ xanh mặt. Họ bảo du lịch làm ồn xóm. Sau lần ấy, anh phải nhiều lần gặp trưởng làng để giải thích, vận động. Dần dần người dân hiểu ra, làm du lịch cộng đồng là một cơ hội mới cho người dân đầm phá.

Nhưng thuyết phục được cộng đồng ngư dân thay đổi thói quen để thích nghi với làm du lịch chỉ là một trong vô vàn cái khó. Khó nhất là con người. Du lịch cộng đồng cần sự tham gia của người dân địa phương. Phải tìm được người đam mê, có thể tiếp thu các kỹ năng làm du lịch, lại am hiểu địa hình, có kỹ năng thuyết minh. Chỉ riêng công đoạn đào tạo kỹ năng hướng dẫn cho ngư dân vốn ít chữ cũng vô cùng gian nan.

Và một cái khó khác mà bất kể doanh nghiệp du lịch nào cũng “ớn” khi chạm đến Tam Giang là sự bất ổn của thời tiết, môi trường. “Có khi đã khảo sát được một tuyến vừa ý nhưng sang mùa hè, mực nước cạn, rong rêu cuốn vào, thuyền không chạy được, thế là bể. Có khi nguồn nước thay đổi, chỉ vài con cá chết, gây hôi cũng bể tour”, Hào chia sẻ, về sự kỳ công trong quá trình gây dựng sản phẩm.

‘‘Khó vậy, sao anh không chọn những cái có sẵn cho khỏe. Có lăng vô lăng, có chùa vô chùa ?”. Trước câu hỏi cắc cớ, sau một chút trầm ngâm, Hào trả lời: “Nói thật, du lịch Huế đã bám quá lâu vào di tích, ăn mòn di tích nên phải có gì khác và mới. Tôi nhìn thấy ở Tam Giang hiệu quả lâu dài về sự mới lạ, độc đáo, riêng có”.

Hỏi về hiệu quả mà Chiều trên phá Tam Giang thu được sau chừng ấy thời gian và công sức, Hào cho hay: “Nói thật là đến năm nay, may ra chúng tôi mới thu được những đồng lãi đầu tiên. Sản phẩm cũng cần đầu tư thêm nữa để nâng dần tính chuyên nghiệp. Nhưng trung bình cứ 5 khách du lịch mua tour thì có 5 người dân địa phương được hưởng lợi. Sản phẩm cũng góp phần kéo dài ngày lưu trú của khách đến Huế. Nhiều khách khi đăng ký tham  quan đầm Chuồn đã đồng ý có thêm một đêm lưu trú ở Huế”.

Nhưng điều làm “Hào Tam Giang” hạnh phúc nhất là hàng ngày, trên trang Tripadvisor (một trang thông tin quốc tế dành cho những chia sẻ du lịch), những lời nhận xét tốt đẹp về tour Tam Giang của Công ty Huetourist cứ dài thêm.

“Họ nói: tuyệt vời, chân thực. Tôi biết như vậy là sản phẩm đã thành công”, Hào tự tin, niềm tin của một người đã cất công tiên phong tìm kiếm những sản phẩm mới để góp phần làm giàu thêm du lịch Huế.

Cùng với Tam Giang, hiện, Công ty Huetourist đang sở hữu 7 tour du lịch cộng đồng với 8.000 khách mỗi năm lên Nam Đông, A Lưới, về Thủy Biều, Thanh Toàn hay lênh đênh ngắm bình minh trên sông Hương, tham quan chợ Triều Sơn, xem làng hoa Mậu Tài... Có người nửa đùa, nửa thật gọi Hào là “vua” du lịch cộng đồng. Có lẽ cũng không đến nỗi quá lời.

Kim Oanh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (19/5/1959 - 19/5/2024) do Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức sau khi đi qua nhiều tỉnh, thành đã đến Huế trình diễn vào tối 21/4 tại Trung tâm Văn hóa – Điện ảnh tỉnh, 41A Hùng Vương, TP. Huế.

Hội thi tuyên truyền kỷ niệm Ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn đến Huế
Hy vọng cho đá cầu Huế

Khởi đầu thành công ở giải đấu đầu tiên, đá cầu Thừa Thiên Huế tiếp tục hy vọng sẽ có được những thành tích cao trong năm 2024 này. Đặc biệt hơn khi Thừa Thiên Huế vinh dự được chọn làm đơn vị đăng cai tổ chức Giải vô địch Đá cầu châu Á 2024.

Hy vọng cho đá cầu Huế
Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế

Hàn Quốc là một trong những nhà đầu tư lớn tại Thừa Thiên Huế. Hiện, nhiều doanh nghiệp của Hàn Quốc đã đầu tư có hiệu quả tại tỉnh. Cùng với đó, một số dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư, hứa hẹn sẽ mở ra những cơ hội mới.

Đồng hành với nhà đầu tư Hàn Quốc đến Huế
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Return to top