ClockChủ Nhật, 30/05/2021 14:23

Cầu vòm dưới chân đèo Hải Vân

TTH - Những ai đã từng đến và chiêm ngưỡng cây cầu ấy đều không khỏi trầm trồ vì không chỉ là sứ mệnh cầu nối đường sắt mà còn có giá trị kiến trúc tuyệt đẹp cũng như sự hài hòa với thiên nhiên.

Tuần đường dưới chân “Đệ nhất hùng quan”

Cầu vòm Đồn Cả điểm đến được nhiều người săn tìm

Đó chính là cây cầu vòm Đồn Cả nằm dưới chân “Đệ nhất hùng quan” – đèo Hải Vân thuộc địa phận thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc. Hai năm trở lại đây, cây cầu này trở nên nổi tiếng với những ai yêu thích khám phá, cũng như giới nhiếp ảnh gần xa.

Phải thật sự yêu thích du lịch “phượt” và trải nghiệm núi rừng, mới có thể khám phá được vẻ đẹp như là tuyệt tác nằm một bên rừng, một bên biển của cây cầu. Bởi để đến được cầu vòm Đồn Cả mất rất nhiều thời gian, trong đó trắc trở nhất là hành trình đi bộ men theo đường sắt.

Theo đó, du khách bắt đầu hành trình của mình bằng xe máy, hướng từ Lăng Cô lên đèo Hải Vân khoảng 5km sẽ gặp một trạm tuần của kiểm lâm. Từ đó, rẽ trái theo một con đường bê tông có độ dốc hun hút dưới cánh rừng tràm thơ mộng. Chừng mươi phút, khi đi hết con đường đó, Ga Bắc Hải Vân sẽ hiện ra trước mắt. Nhưng tất cả chỉ mới bắt đầu, bởi hành trình chiêm ngưỡng cây cầu vòm sẽ còn phải mất khá nhiều thời gian.

“Muốn đến được cầu vòm, phải di chuyển men theo đường sắt, tầm khoảng 1km. Đường đá lổm chổm, rất nguy hiểm, phải chậm hết sức có thể. Bên cạnh sự trắc trở của con đường, thi thoảng phải dừng lại tấp vào hai bên khi gặp đoàn tàu chạy qua.  Nhưng khung cảnh ở đây khá đẹp với rất nhiều con suối, núi rừng xanh thẳm, xa xa là biển…”, một nhân viên ở Ga Bắc Hải Vân tận tình chỉ đường.

Trên hành trình đó, chúng tôi bắt gặp rất nhiều bạn trẻ hào hứng được tận mắt khám phá cây cầu nổi tiếng trên các trang mạng du lịch. Thậm chí có những cặp đôi tìm đến để chụp một vài kiểu ảnh cưới.

Như lời chỉ dẫn của anh nhân viên nhà ga, dù chỉ khoảng 1km, nhưng phải mất 30 phút đi bộ mới vào đến được cầu vòm. Nhiều người lần đầu tiên đến đây tỏ ra bất ngờ, không nghĩ rằng ở giữa núi rừng như thế lại có một cây cầu vòm có lối kiến trúc cổ kính, độc đáo.

Để ngắm được vẻ đẹp của cầu vòm Đồn Cả, nhiều người còn lặn lội băng những bụi cây, dốc đá, xuống hạ nguồn của con suối chảy qua cầu. Từ góc nhìn ấy, nghe tiếng suối chảy, nhìn về phía cầu, xa xa núi rừng xanh mát và những gợn mây trong, mọi người như có một cảm xúc lâng lâng. Đó là cảm giác nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ, trước sự khai phá và khâm phục với những người làm nên cây cầu – tuyệt tác dưới chân núi Hải Vân. Dù dài chừng 100m, được xây dựng bằng chất liệu đá, với 4 vòm, cao hơn 20 mét để phục vụ cho đường sắt nhưng cầu vòm Đồn Cả như một dải lụa vàng, uốn lượn và được nâng đỡ bởi những cánh rừng tự nhiên.

Nhiều người đã cất công đến đây chắc hẳn sẽ bỏ ra thêm một chút thời gian chờ để chiêm ngưỡng đoàn tàu chạy qua. Đoàn tàu kéo theo nhiều toa di chuyển thật chậm, lúc đó cây cầu hiện rõ đường cong mềm mại như chiếc lược ngà. Đẹp nhất là khi những vạt nắng cuối chiều rọi xuống, nghiêng qua những vòm cầu, tạo nên sự lung linh, huyền ảo.

“Nó như một cây cầu ở châu Âu mà mình đã từng đâu đó thấy trên phim ảnh. Đúng là tuyệt đẹp. Hy vọng, cây cầu này sẽ trở thành điểm nhấn trên bản đồ du lịch Huế”, bạn trẻ Bảo Ngân đến từ TP. Huế để chiêm ngưỡng cầu vòm chia sẻ.

Chính vì kiến trúc đẹp, nằm giữa khung cảnh thơ mộng ấy, mà thời gian gần đây có rất nhiều du khách tìm đến để vui chơi, dã ngoại. Không riêng gì bạn trẻ Huế, mà nhiều du khách ở Quảng Nam, Bình Định, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội khi ghé đến Huế cũng tranh thủ “check-in” ở cây cầu này.

Bài, ảnh: NHẬT MINH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản

Liên hoan Sinh viên Kiến trúc toàn quốc là hoạt động được tổ chức hai năm một lần (bắt đầu từ năm 1988) bởi Hội Kiến trúc sư Việt Nam. Đây là hoạt động truyền thống có tầm vóc, quy tụ các trường đại học đào tạo ngành kiến trúc trên cả nước, là cơ hội thể hiện tài năng sáng tạo và hội nhập của các kiến trúc sư tương lai khi còn khoác áo sinh viên.

Tuổi trẻ kiến trúc với di sản
Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
Return to top