ClockThứ Bảy, 25/08/2018 12:44
PHÁT TRIỂN DU LỊCH SINH THÁI GẮN VỚI CỘNG ĐỒNG BỀN VỮNG:

Cần mô hình mẫu

TTH - Tiềm năng du lịch sinh thái gắn vào cộng đồng của Huế thuộc vào “top” đầu trong cả nước. Để phát triển bền vững cần có một chiến lược và những giải pháp mang tính “căn cơ”.

Luyện kỹ năng làm du lịch cho người dânKhách hạng sang chưa mặn mà với du lịch sinh tháiĐưa vào sử dụng điểm du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng

Tiềm năng du lịch sinh thái của Huế là rất lớn

Lợi thế nhưng chưa phát triển

Ông Lê Hữu Minh, Quyền Giám đốc Sở Du lịch thông tin, du lịch sinh thái gắn với cộng đồng ở Huế đã manh nha ở Phú Lộc và Nam Đông cách đây hơn 20 năm và giờ đã phát triển ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Với sự phát triển của du lịch sinh thái đã làm đa dạng sản phẩm cho Huế. Người dân tham gia hoạt động du lịch cũng đã cải thiện được đời sống, giúp giải quyết một phần xóa đói giảm nghèo.

Ông Minh cũng thẳng thắn nhìn nhận, đối với du lịch sinh thái ở Huế chưa có quy hoạch, chiến lược phát triển rõ ràng. Cơ sở hạ tầng, giao thông để tiếp cận các điểm du lịch sinh thái còn rất khó khăn. Mô hình quản lý chưa hiệu quả, người dân chưa có kinh nghiệm nhưng nếu giao doanh nghiệp khai thác sẽ thiếu tính cộng đồng và bền vững. Nếu có mô hình kết hợp, ban đầu thì hiệu quả, nhưng qua vài năm lại nảy sinh mâu thuẫn lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp…

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, nhu cầu tham gia du lịch sinh thái, khám phá thiên nhiên của du khách trong năm 2017, đối với khách quốc tế là 12% và nội địa 3%. Với lượng khách đến Huế trong năm 2017 là 2,3 triệu khách nội địa và 1,5 triệu khách quốc tế, nếu khai thác tốt, du lịch sinh thái sẽ thu hút một lượng khách không hề nhỏ. Đây là tiền đề để Huế thúc đẩy phát triển sản phẩm này.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam đánh giá, xét về tiềm năng, Huế được xếp vào “top” 1 về khả năng phát triển du lịch sinh thái ở Việt Nam, bởi thiên nhiên ưu đãi với những cánh rừng nguyên sinh, vườn Quốc gia, hệ thống sông suối dày đặt, có văn hóa bản địa độc đáo... Nhưng qua phân tích về thị trường khách còn rất thấp, không đến 10 ngàn lượt khách trong năm 2017 và chủ yếu là khách lẻ.

Trong phát triển du lịch sinh thái, những thách thức là không hề nhỏ, nhất là có thể tác động tới nguồn tài nguyên thiên nhiên ngay tại những khu vực cần được bảo tồn, đặc biệt là tại các vườn Quốc gia. Thực tế cho thấy, tại Vườn Quốc gia Bạch Mã, đã có khá nhiều dự án, kế hoạch được bàn thảo, nhưng do vướng công tác bảo tồn nên rất khó phát triển, khai thác, đó là chưa kể việc quản lý, khai thác còn phụ thuộc vào quyết định của Trung ương.

Giải pháp mang tính chiến lược

Hiện nay, cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ dự án “Trường Sơn Xanh” và do Viện Quản lý và Phát triển thực hiện đang xây dựng chiến lược phát triển du lịch sinh thái gắn với cộng đồng cho Huế, với mục đích giúp phát triển sản phẩm và nâng cao đời sống cho người dân ở khu vực phía tây của tỉnh, ở ba huyện Phong Điền, A Lưới và Phú Lộc.

Dự án thực hiện trong 5 năm, từ 2018 – 2022 và tầm nhìn 2027. Mục tiêu của dự án là xây dựng một điểm du lịch sinh thái cộng đồng mẫu, đảm bảo đầy đủ các tiêu chí, hiệu quả trong quá trình hoạt động. Sau 5 năm, chọn lựa và đề xuất xây dựng thêm từ 3 – 5 điểm du lịch sinh thái cộng đồng để tạo thành mạng lưới. Sau 5 năm, lượng khách đạt tỷ lệ 10 - 20% trên tổng lượng khách du lịch đến Huế. Sau 5 năm, đảm bảo 30% cộng đồng tham gia trực tiếp vào các dịch vụ du lịch.

Trong các giải pháp, hoàn thiện thể chế chính sách được nhấn mạnh nhất. Cụ thể, hoàn thiện văn bản pháp lý về quản lý Nhà nước; hoàn thiện các văn bản hướng dẫn quản lý, kiện toàn bộ máy tổ chức, quy chế, nội quy; xây dựng thể chế kiêm nhiệm của các tổ công tác. Bên cạnh đó, dự án đưa ra chiến lược hỗ trợ bảo tồn tài nguyên và văn hóa phục vụ du lịch, bảo tồn và bảo vệ tài nguyên du lịch (tự nhiên và văn hóa); kêu gọi hỗ trợ từ các nguồn tài trợ và đóng góp cho công tác bảo tồn các giá trị đặc trưng trong khu vực...

Ông Vũ Thế Bình góp ý: “Để mỗi mô hình phát triển, cần có những giải pháp mang tính căn cơ. Thứ nhất là thiết lập tổ chức, khai thác theo hợp tác công tư, giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp. Sự hợp tác chặt chẽ giữa ba bên sẽ đảm bảo phát triển lâu dài; thứ hai là hình thành quỹ phát triển từ xã hội hóa, bởi Nhà nước sẽ không thể bao cấp được. Nguồn quỹ này được tổng hợp từ các dịch vụ du lịch, doanh nghiệp và nguồn tài trợ. Khi có quỹ mới có thể phục vụ bảo tồn và phát triển các sản phẩm, kinh phí để bồi dưỡng nghiệp vụ, quảng bá, xúc tiến du lịch…; giải pháp tiếp theo là nâng nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường, bởi môi trường là nguồn sống lâu dài; đầu tư cơ sở hạ tầng, có sự hỗ trợ của Nhà nước, chính quyền địa phương; hình thành các sản phẩm liên quan đến địa phương, gắn giữa các khu bảo tồn và doanh nghiệp khai thác trong phạm vi cho phép; cần cơ quan làm đầu mối, theo dõi giám sát, tìm nguồn cho các điểm; xúc tiến quảng bá…”.

Cũng theo ông Bình, để phát triển lâu dài thì tổ chức mô hình thí điểm vô cùng quan trọng. Khi hình mẫu hoàn chỉnh mới có thể áp dụng đại trà.

Bài, ảnh: Đức Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình
Return to top