ClockThứ Tư, 01/04/2015 16:19

Cần cái tâm

TTH - Nếu việc linh động kết hợp giữa bảo tồn và phát huy giá trị các di sản vật thể và phi vật thể đã khiến di sản văn hóa Huế ngày càng sinh động và hấp dẫn hơn, thì cũng đã có những bất an về sự "ăn mòn" của di sản, về những "dị bản của dị bản" trong quá trình bảo tồn di sản.

Đội hình nhạc công Tiểu nhạc

Không đâu so được với Huế

Trong 2 di sản văn hóa triều Nguyễn được UNESCO vinh danh, Nhã nhạc cung đình là loại hình văn hóa phi vật thể, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế, cụ thể là đơn vị trực thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, được giao nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể triều Nguyễn (bên cạnh Nhã nhạc còn có 2 lĩnh vực quan trọng khác là tuồng cung đình và múa cung đình).
Kỷ niệm 10 năm Nhã nhạc được UNESCO vinh danh (năm 2013), Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định: “Các di sản văn hóa phi vật thể của Thừa Thiên Huế được chú trọng hoạch định và từng bước được bảo tồn, phát huy. Nhờ đó, hàng chục nhạc chương, nhạc khúc, vũ khúc cung đình, tuồng cổ được chọn lọc và phục hồi”. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cũng chia sẻ: “Trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Nhã nhạc, không ở đâu có thể so sánh được với Huế. Nhã nhạc Huế được các cấp, các ngành rất quan tâm và các bạn đã thực hiện đúng mức, đúng với những tiêu chuẩn của di sản mà quốc tế nêu ra. Các bạn tổ chức được nhiều lớp nhạc công với các học viên trẻ. Đây là thế hệ tiếp tục đưa Nhã nhạc lan tỏa trong cộng đồng”.
Theo NSND Bạch Hạc, Phó Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, phần nhiều các tác phẩm nghệ thuật cung đình Huế đều được lưu truyền dưới hình thức truyền khẩu nên việc nghiên cứu để giữ gìn cho thế hệ sau bằng các tư liệu, hồ sơ khoa học không hề đơn giản. NSND Bạch Hạc nói: “Để những tác phẩm nghệ thuật xưa không bị tam sao thất bản, bộ phận làm công tác nghiên cứu phải tìm gặp rất nhiều nghệ nhân, những người hiểu biết về nghệ thuật cung đình để so sánh, đối chiếu và tìm cơ sở để xác định nội dung gần với nguyên bản nhất. Bên cạnh đó, nhà hát may mắn có nhiều gia đình nghệ nhân tham gia, gắn bó và tâm huyết với sự nghiệp bảo tồn văn hóa cung đình Huế. Nhờ vậy, trong quá trình luyện tập các động tác múa, cách hát… các nghệ sĩ trẻ có nhiều cơ hội để bồi dưỡng kiến thức về di sản văn hóa và kỹ năng nghề nghiệp. Gìn giữ những giá trị gốc của di sản không chỉ là trách nhiệm công việc mà còn có ý nghĩa tinh thần thiêng liêng nữa”.
Để Nhã nhạc đẹp hơn
Trong quá trình bảo tồn vốn quý của Nhã nhạc, việc tìm lại những “mảnh vỡ” của các bài bản cũ là vấn đề đã và đang được đội ngũ cán bộ nghiên cứu của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống thực hiện tích cực để lập thành những bộ hồ sơ, tư liệu khoa học. Anh Trương Trọng Bình cán bộ nghiên cứu của Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nói: “Để có được một hồ sơ khoa học, ngay khi có thông tin về nghệ nhân, chúng tôi tranh thủ điền dã ghi âm, ghi hình, phỏng vấn và nhờ các cụ trình diễn lại các bài bản… Trên cơ sở đó mới tiến hành ký âm, phân tích, so sánh thông tin để đưa ra một điểm chung nhất. Bằng cách này, chúng tôi có được những hồ sơ tư liệu về các bài bản xưa đang bị thất lạc trong dân gian để làm cơ sở khoa học”. 
Về nguy cơ “ăn mòn” di sản, anh Bình trăn trở: “Chúng ta cần chú ý hơn đến tính nguyên bản trong các hoạt động biểu diễn để người thưởng thức không hiểu sai về giá trị của loại hình di sản này. Các loại hình nghệ thuật của diễn xướng cung đình Huế đang có nhiều dị bản. Đã vậy, vẫn có tình trạng một số nghệ sĩ không thuộc quản lý của nhà hát, chưa được đào tạo bài bản nhưng vẫn cố trình diễn để phục vụ du khách; các đơn vị lữ hành vì lợi nhuận nên nhắm mắt làm ngơ. Chính du khách là nạn nhân của những sản phẩm không chính thống này, khiến giá trị di sản của Nhã nhạc bị hiểu sai”.
GS.TS Trần Văn Khê – một người rất tâm huyết với Nhã nhạc cung đình Huế, nêu rõ hai vấn đề cần được đặc biệt quan tâm để Nhã nhạc Huế ngày càng đẹp hơn. Vấn đề thứ nhất là về hình thức, trang phục. Trang phục của các nhạc công, vũ công Nhã nhạc phải được điều chỉnh cho thật giống ngày xưa và dùng những vật liệu mới để màu sắc được rực rỡ hơn. Những thao tác như cách đi ra sân khấu, trở vào hậu trường hay tư thế ngồi đàn… nên sắp xếp cho đồng bộ. Nhạc khí sử dụng để biểu diễn cũng phải được đóng lại cho đúng phong cách của nhạc khí dùng trong Nhã nhạc ngày xưa. Vấn đề thứ hai liên quan đến nội dung. Đó là khi tô điểm chữ nhạc bằng cách rung, nhấn, mổ…, người nghệ sĩ phải thực hiện rất chính xác và khi biểu diễn phải tôn trọng những chữ “già-non” như trong cổ nhạc. Lúc đàn, không chỉ cho đúng, mà phải có “thần” nữa.
Nhạc sĩ Đặng Hoàng Loan, nguyên Viện phó Viện Âm nhạc Việt Nam, từng ví von rằng: “Bảo tồn các giá trị của âm nhạc cổ truyền nghĩa là đang cố níu kéo lại nền nghệ thuật rực rỡ của một thời. Sẽ là không tưởng và không còn logic nếu chúng ta hy vọng rằng toàn bộ nền âm nhạc cổ truyền sẽ tồn tại như ngày xưa, nhưng chúng ta là những người đầy trách nhiệm để níu giữ lại những giá trị ấy, níu được bao nhiêu tốt bấy nhiêu”.
Hy vọng, Nhã nhạc sẽ luôn được bảo tồn và phát triển với “những con người đầy trách nhiệm” ấy.
Bài, ảnh: ĐỒNG VĂN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top