ClockChủ Nhật, 31/01/2021 18:28

Cảm ơn mùa xuân

TTH - Tôi mồ côi cha mẹ từ nhỏ, lớn lên trong trại mồ côi, rồi bước ra đời như một người không có gia đình để trở về. Tết là sự sum họp, nhưng đã có bao nhiêu cái tết tôi quen lang thang trên phố, quen nhốt mình trong căn phòng nhỏ một mình. Căn phòng đó cũng có cành mai bung nở từng cánh vàng, cũng có mứt, có hoa quả, có bánh chưng… nói chung là không thiếu một thứ gì, nhưng không phải là tết.

Trao hàng trăm suất quà cho người nghèoChú bé chăn trâu và ngôi trạng nguyênNụ hôn buổi chiều hôm trước

May mắn là cuộc đời không ruồng bỏ, cho nên sau khi bước ra khỏi trại mồ côi, tôi đã học hành để đạt được điều mong muốn là trở thành một nhà thiết kế. Ngôi trường tôi học toàn con nhà giàu, ai đi học cũng chưng diện thật đẹp, chẳng phải lo lắng gì về tiền bạc. Còn tôi phải tự mình mưu sinh để học, phải tằn tiện từng đồng kiếm được vào ban đêm, vào các tháng hè để vượt qua cửa ải đại học vô cùng khó khăn.

Một lần chạy bàn trong nhà hàng tôi đã gặp Hoan. Hoan rất ngạc nhiên khi một sinh viên kiến trúc mà chẳng có ai trợ giúp tiền bạc. Hoan học trên tôi một lớp, do đó ít biết nhau. Sau khi tình cờ gặp nhau như thế, tôi và Hoan thành bạn.

Tốt nghiệp, tôi đã chọn cách ra Đà Nẵng làm việc, thay vì ở lại Sài Gòn như bao nhiêu người khác. Có thể tôi không chịu nổi sự náo nhiệt, vội vã của thành phố này. Thực ra tôi thích chọn ở những nơi mà ít ngươi chấp nhận làm việc, tôi muốn chứng tỏ mình hơn là được dọn sẵn những chỗ tốt. Tôi vốn quen sống với tiếng kẻng báo hiệu giờ ăn, giờ ngủ. Tôi quen nỗi cô đơn và quen cả nỗi buồn mênh mông khi phát hiện mình rất lẻ loi trên cuộc đời này, cho nên tôi có thể sống và làm việc ở bất cứ nơi đâu. Tôi mơ sẽ có một người con gái tôi yêu thương và ngược lại người con gái đó cũng yêu thương tôi. Hai vợ chồng sẽ sống trong một căn nhà nhỏ, nhưng phải có một giàn hoa dây leo trồng trước nhà. Những đứa con của chúng tôi sau này sẽ được cha mẹ chăm sóc và rất gần gụi, yêu thương chứ không mồ côi như cha nó.

Đêm ba mươi tết, tôi là người cuối cùng rời cơ quan. Bởi tôi có bận rộn gì đâu. Tôi quyết định leo lên chuyến tàu cuối cùng của năm bởi vì tôi sợ đêm ba mươi tết. Đêm ba mươi tết là nỗi buồn khi nhìn vào những căn nhà tràn ngập ánh đèn, những cành hoa tươi thắm và tiếng cười giòn giã đến độ làm cho lòng mình cảm thấy rưng rưng buồn. Chuyến tàu đêm tôi sẽ gặp những người như mình, đi qua năm bằng một cuộc hành trình, người gặp nhau hoàn toàn không sắp đặt, giao thừa đi qua như nhau, đêm bên ngoài và thời gian cứ lướt qua trên hai đường ray song song mãi miết.

Đêm tan nhanh. Chuyến tàu của đêm ba mươi cũng khác hơn mọi đêm. Những người phục vụ cũng cởi mở hơn, khách cũng lịch sự hơn. Không gian của một ngày sắp hết, của một năm đã cạn hiện rõ trên từng gương mặt người. Dẫu sao thì trong cái tận cùng của năm, con người cần được sẻ chia cho nhau những giây phút thiêng liêng. Tôi mang theo bên mình ít món quà để lấy lộc đầu năm cho nhà Hoan. Tôi tính ở khách sạn trong ngày mùng một, qua mùng hai hẳn ghé đến Hoan, vì sợ gia đình kiêng cử có người lạ trong nhà đầu năm. Tính tôi vốn đã quen sống một mình, cho nên vẫn thích sự thoải mái hơn là bị gò bó.

Ghế không hết, vẫn còn nhiều chỗ trống. Đó là tín hiệu mừng vui, vì ít ra cho đến giờ phút này không có nhiều người đang tha phương trên những dặm đường, tôi nhủ thầm thế. Tôi định nhắm mắt ngủ một tí, vì chỗ bên cạnh tôi vẫn trống, tôi có thể duỗi chân duỗi tay một cách thoải mái, thì chợt có một bàn tay chạm vào người, một cô gái đứng trước mặt tôi: “Anh cho em ngồi bên cạnh anh nhé!”. Một cô gái dễ chừng 23-24 tuổi gì đó, nói giọng miền Trung. Tôi phụ cô để hàng lên kệ, và nhường cho cô gái ngồi vào bên trong.

Hạnh, cô gái lưu lạc dễ chừng 5 năm chưa trở về quê hương. Khi cô ra đi chỉ mới 17 tuổi, theo bạn bè lang bạt đến miền đất Quảng kiếm sống. Cuộc sống gian truân khiến người con gái luôn tìm cách giữ lấy phẩm chất của mình. Bao nhiêu tiền bạc kiếm được, cô dành dụm gởi về cho bà nội đang sống tại quê nhà. Hạnh nói: “Nội sống với em gái của em, nhà ở ngoại ô xa, nhà có hàng cây cau cao, trước nhà có đồng lúa. Vào mùa xuân cũng là lúc mạ lên xanh rờn, đẹp lắm”. Hạnh thương nội, bởi Hạnh cũng giống như tôi là hai chị em mồ côi cha mẹ từ thuở nhỏ, nội đùm bọc lấy hai đứa cháu gái theo cách của nội là trồng rau, trồng hoa bán kiếm sống. Nhưng nội không thể có nhiều tiền để lo cho cháu bước chân vào đại học. Ôi, cánh cửa đại học nhỏ như thế mà bao nhiêu người phải dừng chân từ bên ngoài nhìn ngắm!

Tàu đi trong đêm khuya. Hạnh mở gói mứt gừng mời tôi ăn. Hạnh mang theo cả một bình cà phê ủ nóng: “Anh em mình ăn tết anh nhé”. Tàu để loa phát ra những bản nhạc mùa xuân rộn ràng. Ngồi sát bên Hạnh, chạm vào bờ vai mềm mại, nghe mùi hương con gái thanh tân, tôi cũng đang nghe mùa xuân rạo rực và thầm cảm ơn số mệnh đã cho tôi một người bạn đồng hành trên chuyến tàu trong đêm giao thừa.

- Em có người yêu chưa? Tôi hỏi.

Hạnh trầm giọng kể cho tôi nghe chuyện tình của em. Câu chuyện tình tan vỡ. Em đã từng yêu, và yêu hết lòng. Chàng trai em yêu là một chàng trai giỏi giang, hai người đã có những ngày ngập tràn hạnh phúc. Nhưng cha mẹ chàng trai đã không chấp nhận em, chàng trai kia đã nghe lời cha mẹ, phụ bạc tình yêu.

Hạnh nói:

- Tụi em vừa chia tay nhau hai tháng nay. Em hứa với nội là hai đứa em sẽ về ăn tết cùng nội, nội đã chuẩn bị đủ thứ rồi. Đáng ra em về từ ngày hôm qua, nhưng không mua được vé, chắc đêm nay nội thức đợi em về để xem mặt cháu rể cho coi.

Tôi cười:

- Tại trời định anh và em sẽ đi chung chuyến tàu hôm nay. Nếu có anh chàng kia thì anh đâu được ngồi gần em. Rồi tôi kể cho em nghe cuộc hành trình của tôi, tôi đang tìm một gia đình để đón tết và gần như không hề nôn nóng trở về.

Tàu vẫn lao trong đêm ba mươi. Em thở dài:

-Em chẳng biết tính sao khi nội thấy em về một mình?

Khi tàu dừng ở ga Nha Trang để đổi đầu máy thì trời đã rất khuya, sắp chạm vào giao thừa, và hai chúng tôi đã thân nhau. Hạnh, cô gái ngồi cạnh tôi sẽ xuống ga này. Cuộc hành trình trong đêm giao thừa trên con tàu không hẹn trước đã cho tôi một niềm vui khôn tả, một niềm vui như thể tôi có thể lắng nghe được cùng với đất trời những búp non đang cựa mình để chuẩn bị bung xanh trong tiết trời xuân ấm áp. Nhưng niềm vui ấy sắp hết.

*

 Tôi không thể tiếp tục cuộc hành trình đi tiếp khi tàu dừng lại ở ga Nha Trang. Hạnh nói: “Anh ơi, anh cũng đâu có phải trở về nhà. Hay là anh tới nhà em một ngày cũng được, rồi anh tiếp tục đi anh nhé”. Hạnh muốn tôi thế vai một người con trai khác. Và không hiểu tại sao tôi cũng đã xuống sân ga cùng Hạnh, cùng lên chiếc taxi đi trong giao thừa đang chạm vào từng ngõ ngách, chen cùng xe cộ rộn ràng đang ở trên khắp nẻo đường chào năm mới.

Nội của em vẫn thức đợi em về. Nội đã reo lên khi tôi vừa bước vào:

- Ui, thằng Linh mà cháu kể đây sao? Ôi, cháu vào đi, cháu rể của nội.

Tôi đã có một gia đình như thế đó. Khi Hạnh nói: “Em cảm ơn anh”. Tôi thầm thì: “Không, anh cảm ơn em”.

Tôi biết rằng mùa xuân có lắm điều kỳ diệu. Và tôi biết trái tim tôi đã bắt đầu xôn xao, rộn ràng sau đêm giao thừa đó.

Tống Quân

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top