ClockThứ Hai, 25/07/2016 06:21

Bình thường đi!

TTH - Khách nào cũng đều đáng được hoan nghênh, tôn trọng. Khách Trung Quốc (TQ) cũng không ngoại lệ. Quan trọng là ta làm tốt khâu quản lý. Làm sao để vừa phát triển du lịch, vừa quảng bá nét đẹp của đất nước, con người Việt Nam, lại có thể tranh thủ giúp khách hiểu được bản chất của “những vấn đề lịch sử” mà có khi ở trong nước họ không có điều kiện để tiếp cận…

Mới đây nhất, báo chí đưa tin ngày 16/7 một cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng đã từ chối 2 du khách TQ khi phát hiện trên hộ chiếu của họ có in đường “lưỡi bò”; nhiều cơ sở kinh doanh ở Đà Nẵng từ trước đó cũng đã treo bảng từ chối thanh toán bằng đồng nhân dân tệ…Du khách TQ được mô tả là “rất tức tối”, còn dân Việt thì tất nhiên nhiều người không giấu được tâm lý hoan hỷ vì ta đã trực diện bày tỏ thái độ cho người TQ biết…

Mọi du khách đều phải được hoan nghênh, trân trọng

Tất cả những cung bậc tâm lý trên đều là dễ hiểu. Dân Việt ta lâu nay ức chế nhiều từ những hành vi ngang ngược, bất chấp tình hữu nghị, thậm chí ứng xử vô nhân đạo với dân ta trên biển Đông. Nay lại còn “khuấy đảo” thị trường du lịch, thuyết minh theo kiểu tuyên truyền xuyên tạc, ứng xử thì “lôm côm”, không chừng mực. Cho nên, nay có người không ngán ngại, bày tỏ thái độ “đốp chát” khiến nhiều người cảm thấy hả dạ. Tuy nhiên, nếu đặt mình ở vị trí là du khách TQ đôi khi hộ chiếu đã được đóng dấu, qua cửa khẩu, đến chỗ lưu trú bỗng dưng bị… đuổi. Họ chưng hửng, bực dọc, thậm chí còn hơn thế nữa cũng là điều hoàn toàn logic, không có gì khó hiểu. Điều nguy hiểm là đôi lúc từ những mâu thuẫn nho nhỏ, đơn lẻ như vậy thôi, tích tụ dần lại đẩy lên thành vấn đề giữa 2 dân tộc, giữa 2 quốc gia.

Trở lại câu chuyện khách du lịch TQ, nếu bình tĩnh mà ngẫm thì một phần lớn do ta mà ra. Do sự dễ dãi, sự đơn giản, sự buông lỏng quản lý của các địa phương và ngành chức năng. Nếu quản chặt ngay từ đầu vào, thường xuyên kiểm tra, kiểm soát nghiêm túc thì làm gì có chuyện HDV người TQ cũng như một số HDV người Việt “ngắn nghĩ” dám tự tung tự tác khuấy đảo môi trường du lịch? Đối với du khách, nếu có quy định cụ thể, thông báo và yêu cầu các hãng lữ hành, các công ty du lịch thông báo kỹ lưỡng với du khách ngay từ đầu, thì làm sao có chuyện du khách hành xử lung tung, phản cảm như đã xảy ra thời gian qua?

Chưa có điều kiện để đi nhiều, song, chỉ cần  loanh quanh Malaysia, Thái Lan, Singapore chúng tôi cũng thấy được điều này. Đến nước người ta là lập tức có HDV bản địa “tiếp quản”. Quy định của quốc gia mình chuẩn bị tới du lịch cũng được HDV cẩn thận quán triệt đi quán triệt lại. Ví dụ như chuẩn bị vào Singapore, khách được nhắc tới nhắc lui là cấm xả rác, cấm hút thuốc lung tung, cấm mang kẹo cao su (chewing Gum) vào… Vi phạm, HDV không chịu trách nhiệm. Vậy là đố ai không thực hiện. Qua Thái, có “đồng chí” đã phải… ngậm đắng nuốt cay rút bạc triệu ra nộp phạt vì lỡ phi thuốc lá không đúng chỗ, gọi thức ăn ra mà ăn không hết. Nộp phạt nhưng đố dám kêu ca do sợ xấu hổ với đoàn vì không nghe lời dặn của người hướng dẫn. Ấy là vi phạm nhẹ, xử lý nhẹ. Còn nặng hơn thì như báo chí từng thông tin, nhiều du khách Mỹ, Đức, Thụy Sỹ… đã từng “tởn tới già” vì bị phạt tù, phạt tiền, đánh roi vì cả gan xịt sơn, vẽ bậy ở Singapore, cho dù chính phủ, tổng thống của họ đích thân lên tiếng “xin giúp”…

Nhập gia tùy tục, nếu rõ ràng, công khai trong quy định, nghiêm minh trong xử lý thì tự nhiên du khách sẽ chấp hành, du khách TQ cũng vậy thôi. Đó là kinh nghiệm, là thông lệ mà ta nên học.

Khách nào cũng là khách, đều đáng được hoan nghênh, tôn trọng. Khách TQ cũng không ngoại lệ. Thay vì “tẩy chay” như ý kiến của một số người, tại sao không đón tiếp họ bình thường như bất kỳ du khách nào khác. Họ trả tiền, ta làm tốt khâu quản lý, cung cấp dịch vụ, hướng dẫn tham quan… Vừa để phát triển du lịch, vừa để làm cho họ thấy truyền thống thân thiện, hòa hiếu, thấy những nét hay, nét đẹp của văn hóa, đất nước, con người Việt Nam. Đồng thời, tranh thủ lồng ghép sao đó cho nhuần nhị, khôn khéo để giúp họ hiểu bản chất thật của “những vấn đề lịch sử” mà có khi ở trong nước họ không có điều kiện để tiếp cận. Làm được như thế mới quý, mới cao cơ. Còn nếu chọn thái độ “quay lưng” thì thật vô cùng dễ. Vấn đề là cần phải thực sự bắt tay chấn chỉnh, “ổn định tổ chức” ngay từ bây giờ.

Bài, ảnh: Diên Thống

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng

Theo phân tích của Maybank Investment Bank Bhd, việc áp dụng xe điện (EV) ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng nhờ các quy định thuận lợi, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tung ra các mẫu xe mới với giá thấp hơn, đồng thời khu vực này cũng có các cơ sở sản xuất ô tô lớn và nhu cầu xe điện đáng kể.

Thị trường xe điện ở ASEAN sẽ tiếp tục tăng trưởng
ADB: Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài

Trong Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4/2024 vừa được công bố hôm nay (10/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đã giữ nguyên dự báo tăng trưởng năm 2024 đối với Việt Nam được đưa ra trước đó, bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Cụ thể, ADB kỳ vọng nền kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng lần lượt ở mức 6% và 6,2% vào năm 2024 và 2025.

ADB Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng vững chắc giữa nhiều bất ổn bên ngoài
Return to top