ClockThứ Hai, 30/04/2018 15:00

“Biệt đội” Tam Giang

TTH - Từ khi có “biệt đội” tuần tra thuộc Chi hội Nghề cá Thạch Sơn, vùng đầm phá Tam Giang thuộc xã Lộc Điền (Phú Lộc), trở nên yên bình.

Tàu hậu cần nghề cá gặp khóĐưa cá lồng vào quy hoạchNgư dân trúng đậm mùa cá Nam

Ghê hơn “cướp” cạn

Nhắc đến chuyện các đối tượng đánh bắt trái phép bằng xung điện, trộm cắp tôm cá của người dân trên vùng đầm phá Tam Giang qua xã Lộc Điền, một thời ngư dân nơi đây đều e dè với cánh báo chí chúng tôi. Họ bảo rằng, nếu cung cấp thông tin, bà con còn làm nghề trên đầm phá nữa, một ngày nào đó họ sợ trở thành… “nạn nhân”.

Đội tuần tra thuộc Chi hội nghề cá Thạch Sơn kiểm tra một trộ nò sáo bị phá hoại

“Trong những năm qua, nghề nuôi trồng, đánh bắt trên đầm phá đã có những chuyển biến, mang lại đời sống ấm no cho hàng nghìn ngư dân. Đặc biệt, trong 2 khu vực bảo vệ thủy sản đã xuất hiện nhiều loài tôm, cá có giá trị kinh tế cao cùng môi trường thủy sản rong tảo hồi sinh làm thức ăn phong phú cho cá tôm ở đây. Có được thành quả đó là nhờ công lao của những ngư phủ tình nguyện của “biệt đội” tuần tra Thạch Sơn”, ông Lê Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền, đánh giá.

Sau một hồi thuyết phục, được sự động viên của ông Lê Hữu Phúc, Chủ tịch Chi hội Nghề cá thôn Thạch Sơn, ngư dân Huỳnh Chiến (thôn Bạch Thạch) bộc bạch: “Từ khi có đội tuần tra của các chi hội nghề cá đi vào hoạt động, các đối tượng khai thác thủy sản trái phép không còn manh động như trước, nhưng thỉnh thoảng ngư lưới cụ của bà con cũng bị phá, tôm cá bị trộm sạch, ngư dân chỉ cung cấp thông tin cho chi hội trưởng cùng chính quyền mà thôi”. Ông Chiến nói như lời giải thích cho sự dè chừng của mình rồi dẫn chúng tôi ra đầm phá. Khi hiểu rồi, mới biết, sự thận trọng của ngư dân ở đây là điều hợp lẽ.

Chỉ mới đây thôi, một lồng nuôi (khoảng 300 con cá vược, hồng) của ông Chiến bị các đối tượng khai thác trái phép ngang nhiên vào tận vùng cửa phá rạch lưới, dùng xung điện rà bắt, thiệt hại khoảng 40 triệu đồng. Để bảo vệ tài sản, nhiều ngư dân phải thay nhau “canh cá” ngày đêm. Họ dùng các vật liệu cứng, rào thép, dây dợ nhưng đều bị các đối tượng đánh bắt trái phép mang theo “đồ nghề” phá sạch.

Không chỉ phá cá lồng, mỗi chuôn, trộ ngư dân đặt trên đầm phá- nơi trú ngụ của các loài cá có giá trị kinh tế cao như cá đối, cá ong, kình… đều bị các đối tượng này phá rào, đưa máy xung điện vào rà. “Mỗi chuôm trộ bà con dựng bằng tre tốn chi phí mười mấy triệu đồng. Khi các đối tượng dùng xung điện rà, cá không bắt hết thì cũng chết. Mỗi vụ sản xuất đều trông chờ vào mỗi trộ chuôn, phá hết như thế thì ngư dân trắng tay”, ngư dân Lê Đức Luận (thôn Trung Chánh) nói.

Ông Lê Đăng Lực, Trưởng Công an xã Lộc Điền cho rằng, chính quyền địa phương, lực lượng công an cùng các chi hội nghề cá đã nhiều lần ra quân kiểm tra, mật phục và bắt xử lý nhiều trường hợp đánh bắt trái phép, trộm cắp thủy sản, nhưng hoạt động của những đối tượng này ngày một tinh vi hơn. Thậm chí, nhiều lúc có “tai mắt”, khi huy động anh em, để đảm bảo thông tin được giữ kín, chúng tôi chỉ thông báo giờ làm việc chứ không nói rõ nội dung và khi bắt được các đối tượng khai thác trái phép, phải tịch thu điện thoại để tránh gọi đồng bọn “ứng cứu”. Các đối tượng khai thác trái phép chủ yếu ở xã Vinh Hà cùng một số địa phương khác khá đông, trong khi lực lượng mỏng nên chúng tôi rất khó xử lý triệt để.

Thuyền máy cùng bộ xung điện bị đội tuần tra bắt được

Đội tuần tra không lương

Ông Lê Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Điền thông tin, hệ thống đầm phá Tam Giang đi qua địa bàn xã với diện tích khá lớn, trên 2.200 ha. Trong đó, có hai khu vực bảo vệ thủy sản làm “bãi đẻ” cho các loài cá tôm là Đá Dầm và Đá Miếu với tổng diện tích 60 ha. Toàn xã có 4 chi hội nghề cá, nhưng hoạt động hiệu quả nhất là đội tuần tra thuộc Chi hội Nghề cá thôn Thạch Sơn với 10 thành viên thường trực. Chỉ mới thành lập trong vài năm trở lại đây nhưng nhờ hoạt động hiệu quả cùng với sự nhiệt thành, trách nhiệm của các thành viên nên từ khi có “biệt đội” này, hoạt động của các đối tượng khai thác, đánh bắt thủy sản trái phép giảm hẳn.

Tham gia một buổi tuần tra với “biệt đội” Thạch Sơn mới thấy được hiệu quả cùng trách nhiệm của những thành viên nơi đây. Kế hoạch, lộ trình tuần tra cùng các nhu yếu phẩm, xăng dầu đều được chuẩn bị từ trước. Các thành viên đi trên hai thuyền có lực lượng công an xã hỗ trợ. Chủ tịch Chi hội nghề cá thôn Thạch Sơn kể rằng, thời gian trước anh em ai nấy đều rất hăng say, trách nhiệm với bà con nhưng hiệu quả truy bắt lại không cao bởi thuyền công suất nhỏ, không có công cụ hỗ trợ, chi phí xăng dầu không lấy đâu ra. Cứ mỗi lần tuần tra là ngốn mất cả mấy trăm ngàn đồng tiền dầu, chưa kể lo chi phí nước uống, rồi thuốc men cho anh em. Nhiều lúc nhận được tin báo của ngư dân, đến nơi thì các đối tượng đã chạy, bỏ lại cả đầm phá với những trộ chuôn cá hoang tàn, xót lắm!

Để có được những chiếc thuyền tuần tra đủ công suất như hiện nay là cả một câu chuyện dài. Ban đầu, trước sự hoành hành của các đối tượng đánh bắt thủy sản trái phép, tổ tuần tra đều phải mượn thuyền của ngư dân đi. Thuyền có công suất nhỏ, nhưng không phải lúc nào ngư dân cũng “hợp tác” bởi bà con sợ cho mượn thuyền sẽ… bị trả thù. Thế là các thành viên trong chi hội phải tự bỏ kinh phí sửa sang lại thuyền máy của các thành viên để “trưng dụng”. Ngoài ra, chi phí xăng dầu, nước uống, trà lá tuần tra hằng đêm đều được các thuyền viên tự tích cóp, đóng góp.

Được sự hỗ trợ của địa phương và tài trợ từ một dự án phi chính phủ, các thành viên tổ tuần tra Thạch Sơn được trang bị một thuyền máy công suất 24CV để tuần tra. Ông Lê Hữu Phúc chia sẻ: Đội tuần tra có niềm vui là bà con trong thôn luôn ủng hộ. Những ngày đầu “ra quân” với chiếc thuyền mới, đội tuần tra Thạch Sơn đã "tóm" được 2 thuyền đánh bắt thủy sản trái phép bằng xung điện trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt của khu bảo vệ thủy sản Đá Dầm.

Ngư dân đầm phá Tam Giang với cuộc sống yên bình

Ông Phúc kể: “Thời điểm đó vào lúc chiều tối, nhận được tin báo của ngư dân Thạch Sơn có hai đối tượng ngoài địa phương dùng hai thuyền cùng xung điện rà cá trong khu vực bảo vệ thủy sản Đá Dầm. Chỉ trong 5 phút, đội tuần tra gần 10 thành viên đã có mặt và lực lượng công an xã cũng đến bến thuyền. Kế hoạch “dàn quân” được thảo luận nhanh chóng. Khi thuyền máy vừa trờ tới, anh em liền hô lớn để dàn “thế trận” bao vây! Tiếp cận được thuyền, lực lượng công an xã liền tịch thu điện thoại để các đối tượng không gọi đồng bọn giải cứu và đưa phương tiện về xã lập biên bản xử lý”.

Trưởng Công an xã Lộc Điền thông tin, chỉ trong những tháng đầu năm 2018, lực lượng công an xã đã phối hợp với đội tuần tra Chi hội Nghề cá Thạch Sơn bắt giữ 4 trường hợp đánh bắt, trộm cắp thủy sản trên đầm phá Tam Giang qua địa bàn xã.

Mới đây, chính quyền xã Lộc Điền đã trích kinh phí “thưởng nóng” cho các thành viên đội tuần tra Thạch Sơn 1 triệu đồng vì có thành tích trong công tác mật phục, bắt giữ một đối tượng nhiều lần dùng thuyền máy và bộ xung diện trong khi đang đánh bắt trái phép trên vùng đầm phá xã Lộc Điền. Đây là sự động viên kịp thời của chính quyền địa phương về công tác chống khai thác thủy sản trái phép trên địa bàn.

Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc

Ngày 7/4, Tỉnh đoàn - Hội LHTN Việt Nam tỉnh phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ Thanh thiếu nhi Việt Nam tổ chức chương trình trao mô hình sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lộc.

Hỗ trợ mô hình sinh kế cho hộ nghèo tại Phú Lộc
Dùng 20 triệu đồng “buôn” ma túy, lĩnh án 17,5 năm tù

Chiều 3/4, Toà án Nhân dân tỉnh tuyên phạt 17 năm 6 tháng tù với hai bị cáo Huỳnh Hạnh (SN 1993) và Hoàng Như Nghĩa (SN 2000, cả hai đều trú tại thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc) về tội “mua bán trái phép chất ma tuý”.

Dùng 20 triệu đồng “buôn” ma túy, lĩnh án 17,5 năm tù
Phú Lộc: Tập trung nguồn lực giảm nghèo và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia

Chiều 1/4, Huyện ủy Phú Lộc tổ chức hội nghị lần thứ 16, khóa XV (mở rộng), nhiệm kỳ 2020 - 2025 để đánh giá sơ kết 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 04 của Huyện ủy về xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết 05 của Huyện ủy về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 và thực hiện quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Phú Lộc Tập trung nguồn lực giảm nghèo và xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia
Return to top