ClockChủ Nhật, 28/02/2021 12:34

Bi kịch từ đâu

Vai áo sờnTừ một bình minh mưa

Nhà có điều kiện nên anh luôn ưu ái việc học của con, chi phí khủng cũng chẳng ngại. Khi đi mẫu giáo, con anh đã vào trường danh tiếng bậc nhất thành phố; lên cấp một, cấp hai đều học trường chuyên lớp chọn. Dù anh chỉ hé lời bóng gió, nhưng người hiểu chuyện biết anh nhọc công tốn của nhiều lắm để con được học trường lớp như ý. Ngoài học chính khóa, thằng bé còn học thêm, học kèm, học nâng cao với lịch học phủ kín cả tuần; hết suất học này lại tiếp suất khác, hệt như ca sĩ đắt show. Anh thuê xe ôm chuyên đưa đón con đi học để đỡ lo tai nạn và tiết kiệm thì giờ. Đến nạp thêm năng lượng giữa hai suất học, nó cũng phải tranh thủ khi ngồi trên xe di chuyển, với cái bánh hay bịch sữa.

Lạ là thằng bé học lên cứ đuối dần, như thông tin rò rỉ từ người thân trong gia đình anh. Tệ hơn, nó còn xao nhãng việc học. Chẳng rõ do nội lực mỏng đi hay vì kỳ vọng quá lớn của người cha khiến nó như cầu thủ ra sân trước sự cuồng nhiệt của các fan nên cóng giò, chơi kém. Trước đây nó còn tung tăng hồn nhiên thì nay đôi mắt cứ lờ đờ sau cặp kính cận, trán thì nhăn nhăn như cụ non. Bất nhã nói sau lưng thằng nhỏ, lắm lúc trông nó tội nghiệp như con vịt bị nhồi bánh đúc cho tăng trọng trước khi đem bán.

Ngược lại, người cha lấy làm hãnh diện trước việc học trường kỳ như đánh trận của con. Anh khích lệ: “Con thương ba mẹ thì cố gắng mà học”. Thấy thằng bé ngơ ngác, rõ là chưa thông, anh giảng giải: “Học không chỉ vì tương lai của con mà còn vì thể diện gia đình”. Thằng bé cau mày, càng có vẻ không lĩnh hội được lời vàng ý ngọc. Nó làm sao thấu hiểu nung nấu của người cha luôn mong con tài năng vượt trội để được hãnh diện với đời. Khao khát ấy lắm lúc khiến anh suy nghĩ khác người. Chẳng hạn, cùng xem chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” trên truyền hình, trong khi nhiều người xuýt xoa dự báo tương lai tốt đẹp của những học sinh giỏi thì anh lại nghĩ theo hướng khác: “Bố mẹ các cô cậu này tự hào lắm đây!”. Về họp lớp cũ, nghe bạn kể chuyện thành đạt của con, anh xót ruột đến ngứa ngáy, cháy lòng. Và rồi, anh ký thác viễn cảnh tốt đẹp cho con và mong nó chóng thành hiện thực.

Anh sung sướng đến không thể kìm nén bởi con học các trường nổi tiếng. Ngồi với chòm xóm, anh loanh quanh một hồi rồi lại vác con ra quảng bá, từ chăm ngoan học giỏi đến giải thưởng các kiểu. Niềm vui đi tắt đón đầu được chắp cánh bay cao khi anh dự báo tương lai xán lạn của con. Giọng ngân nga như hát tình ca cùng nét mặt như hoa lúc kể chuyện đã cho thấy, người cha hả lòng về đứa con đang góp phần giải quyết khâu oai cho cha mẹ.

Đáp lại niềm vui ngời ngời mỗi khi anh khoe con là vẻ chừng mực của người nghe. Cũng đúng thôi, con hát mẹ khen hay đã quá quen và quá xưa nên bộ nhớ của mỗi người chắc đã dôi dư những chuyện tương tự. Không ít lần anh rơi vào cảnh độc diễn, người kể cứ thao thao trong khi cử tọa hững hờ, có người còn chẳng thèm khách sáo, lảng sang chuyện khác. Cả như thế cũng chẳng khiến anh cụt hứng, tẽn tò.

Trách chi người ngoài, đến vợ anh nghe chồng đảo đi đảo lại điệp khúc ca con còn phẩy tay, bỏ đi. Lắm lúc chị nhìn anh nhăn mặt, lắc đầu bất bình: “Người ta có muốn nghe đâu mà. Vả lại, con mình đã là gì mà khoe khoang!?”. Lời phũ phàng ấy cũng chẳng khiến anh hạ nhiệt, cân bằng khi nhắc đến con. Đã thế, vợ chê thẳng mặt: “Sao anh không cảm nhận được thái độ người nghe nhỉ!?”. Anh sượng sùng, ngồi im một lúc rồi thật thà trải lòng nhưng cứ như tự nhủ: “Đã quá nửa đời người rồi thì có niềm vui nào hơn là mong con lớn khôn để nở mày nở mặt với thiên hạ”. Chị toan cãi lại nhưng thấy anh có vẻ xuống nước nên thôi.

Cả nhân vật được tán dương, tô hồng cũng không thích những lời cơi nới về mình. Thằng bé có vẻ dị ứng khi thấy ba đem ra quảng bá với người ngoài. Lắm bữa ngồi trong phòng học mà nó nhấp nhỏm như bị kiến đốt bởi nghe ba khoe con với khách. Vậy nên, vừa nghe khách mở mồm hỏi việc học hành của bọn nhỏ là nó lủi vào phòng riêng, đóng cửa lại hoặc lấy xe đạp ra phố. Không chịu được nữa, nó ấm ức: “Ba cứ nói thế; con không thích đâu!”. Anh chưng hửng trước sự “vùng lên khởi nghĩa” bất ngờ của thằng nhỏ.

Chẳng biết từ bao giờ, con hay lảng tránh ba, đến lời chào mỗi khi đi về cũng loáng thoáng chứ không vồn vã hay cười tươi như ngày nào. Nó cố tạo khoảng cách ngay trong nhà bằng cách luôn khép cửa phòng riêng. Anh hốt hoảng nghe cô giáo chủ nhiệm bảo con học sa sút; hỏi nguyên nhân thì cô phỏng đoán tù mù thay cho lời khẳng định; lại còn bảo cha mẹ cần quan tâm con nhiều hơn. Anh bối rối trước lời khuyên hàn lâm hệt như phương châm ấy. Vợ thì đổ riệt nguyên nhân bi đát của con cho chồng. Chị bảo, chính sự kỳ vọng thái quá của ba đã tạo áp lực đè nặng khiến con không còn vô tư học hành; rằng việc thổi phồng khả năng của con khiến nó bất bình chán nản nên nổi loạn tư duy.

Khi con thi vào lớp 10, không đậu trường thuộc nhóm đầu thành phố, anh bắt đầu thưa vắng “lời ca tiếng hát”. Ba năm sau, nó trượt đại học thì anh hoàn toàn tắt tiếng ngợi khen quý tử. Anh buồn dai dẳng, vẻ ngơ ngác, cứ như không tin sự thật đắng lòng. Anh cay cú mông lung bởi chẳng biết nhằm vào ai. Với con, thấy mặt nó buồn như chực khóc, anh không nỡ nặng lời khiến cu cậu tổn thương thêm. Động viên an ủi thằng nhỏ thì quả là anh không đủ sức khi chính lòng mình đang tan nát; có chăng chỉ vài lời vuốt ve nửa vời cùng vẻ thản nhiên giả tạo. Nghe thấy nhà bên cạnh mở tiệc liên hoan mừng con vào đại học, với tiếng bật nắp lon bia bôm bốp lẫn những lời chúc tụng vút cao, anh đau đến khó ở. Chuỗi âm thanh vui tươi kia cứ như đám mũi nhọn đâm vào lòng anh, thổi bùng lên nỗi buồn đang cố nén chặt.

Giờ thì nghe người chung quanh kể cho nhau chuyện học hành của bọn trẻ, anh thường ngó lơ hoặc giả điếc. Vẻ lạnh lùng bên ngoài tương phản với nỗi đắng cay cuồn cuộn trong lòng anh khi nghĩ về thất bại đầu đời của con. Quả là thằng nhỏ đã khiến anh như đang bay bổng trong mây xanh bỗng rơi bịch xuống bùn đen thăm thẳm. Tỉnh lại, anh nung nấu kế khác.

Con chuẩn bị lên đường du học thì anh lại có lý do để vui. Lần này thì anh chừng mực hơn, kiệm lời hơn khi nói về con nhưng niềm vui chất chứa trong lòng lắm lúc cũng vọt ra. Nghĩ tới cảnh con cầm tấm bằng đại học nước ngoài, anh lại rạo rực, sướng tê người, lại thấy mát mặt với thiên hạ. Viễn cảnh tốt đẹp ấy như vầng hào quang chói lòa phía trước, cứ thôi thúc vẫy gọi anh.

Ngược lại, vợ anh chần chừ: “Để từ từ xem đã, vả lại nên hỏi ý con”. Anh chém gió, quả quyết: “Xem xét cái gì!? Cứ phải có tấm bằng quốc tế mới ăn nói với người ta được!”. Chị vẫn kiên trì bàn lùi: “Bằng quốc tế thì du học tại chỗ cũng được vậy; vừa đỡ tốn vừa chẳng phải đi xa”. Giọng anh khinh khỉnh: “Trong nước thì nói làm gì; có miếng mà không có tiếng thì cũng chẳng thèm!”. Lời qua tiếng lại một hồi, chị lắc đầu ấm ức lẫn bất lực.

“Cháu đang du học ở Úc”. Nếu ai hỏi về con, anh trả lời bằng giọng vui ngời ngời như thế, liền đó là những mẩu chuyện không đầu không cuối về quốc đảo ấy mà anh hóng hớt được. Anh còn kể những ưu việt của giáo dục xứ người, cứ như ai hấp thụ nền giáo dục ấy tất sẽ thành tài. Người hiểu chuyện thì phản biện ngay và luôn rằng, du học tự túc thời nay thì có gì mà tinh tướng. Chưa biết việc học của thằng bé nên cơm cháo thế nào, nhưng anh đã phải đổi chủ hai mảnh đất vàng ở khu đô thị mới để làm học phí cho con.

Bẵng một thời gian không thấy anh nhắc đến con, người quen hỏi thăm sao lâu nó không về thăm nhà; anh cười gượng, lý nhí: “Cháu đang mải học”. Người ta lấy làm lạ trước vẻ ngượng ngùng của anh, rõ là không muốn kéo dài câu chuyện về con. Họ đâu hay, anh đang mắc kẹt trên lối đi do chính mình vạch ra, khi ước mơ tấm bằng đại học danh giá cho con đang dần xa.

Trước đó, anh sững sờ nghe vợ chia sẻ nỗi buồn của con. Lúc không giấu được nữa, thằng bé mới thổ lộ với mẹ rằng việc học đang là gánh nặng quá sức với nó, ngay hàng rào đầu tiên là ngoại ngữ cũng đã khó vượt qua, nói chi tiếp thu kiến thức khác. Nó cố lắm nhưng mãi vẫn không đủ tín chỉ; lại không dám bỏ vì sợ ba mẹ buồn. Anh xót xa nhớ nghịch cảnh ngày chia tay ở sân bay, ba hớn hở vui nhưng con ưu tư lặng lẽ. Hóa ra thằng bé tự biết khả năng của mình và không có mộng du học nhưng vẫn đi để ba được thỏa lòng.

Nhắc đến con, anh chị ngồi lặng ngó nhau, thở dài. Anh cúi xuống, buông xuôi chán nản. Giọng chị khẽ nhẹ đau thương như rên rỉ: “Quả là bi kịch từ chính lòng mình, khi thấy người cưỡi ngựa, đánh bò gãy chân”.

NGUYỄN TRỌNG HOẠT

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Return to top