ClockThứ Ba, 01/10/2019 06:30

Bị động về chính sách giá trong du lịch

TTH - Trong kinh doanh du lịch, ngoài sản phẩm hấp dẫn, sự linh hoạt về chính sách giá được xem là giải pháp tăng khả năng cạnh tranh nhất là thu hút khách, giữ chân khách lưu trú về đêm.

Ngành du lịch Huế xúc tiến du lịch tại LàoLàm được, nếu có giải pháp đồng bộ

Cần có chính sách kích cầu khách vào các mùa thấp điểm (Du khách tham quan lăng Tự Đức)

Từ bị động giá đến bị động khách

Ông Đinh Mạnh Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh đánh giá, xét về kinh doanh, DN nào cũng sẽ có chiến lược về giá, cụ thể như với khách sạn, vào mùa cao điểm có thể “đẩy” giá cao để phù hợp với cung cầu. Nhưng khi vào mùa thấp điểm có thể giảm giá để thu hút khách. Hoặc với các đối tác, luôn có những bản hợp đồng về nguồn khách lưu trú ổn định, cũng sẽ được đảm bảo có những mức giá tốt hơn, kể cả những phát sinh đều được ưu tiên giải quyết, để hai bên cùng có lợi. Quan trọng hơn là, DN sẽ đạt mục đích kinh doanh đã đặt ra.

Theo ông Thắng, chính sách giá, hay các cơ chế mở chỉ được triển khai giữa DN với DN. Riêng với Huế, các chính sách linh hoạt về giá thường bị mắc là bởi liên quan đến cơ quan Nhà nước. Một số điểm đến như Quảng Bình, Đà Nẵng thường giao cho DN khai thác và chịu trách nhiệm về nộp thuế, ngân sách, bảo tồn... Nhờ sự linh hoạt đó nên luôn đảm bảo lợi ích đôi bên và giúp các địa phương thu hút khách tốt hơn. Chẳng hạn như ở Bà Nà Hills giảm giá gần 60% giá vé tham quan cho du khách 19 tỉnh thành miền Trung - Tây Nguyên trong vòng 15 ngày (20/9 – 5/10/2019), là chính sách giá để kích cầu, thu hút dòng khách nội địa ở mùa thấp điểm.

Nếu có thể giảm giá vé một số điểm di tích, dịch vụ, du khách sẽ đến Huế nhiều hơn

Dẫn chứng cụ thể để thấy sự bị động trong chính sách giá khiến Huế luôn bị động trong thu hút những nguồn khách, nhất là tăng thời gian lưu trú. Đó là khi Công ty cổ phần Truyền thông Du lịch Việt (nằm trong top 5 đưa khách đến Huế nhiều nhất năm 2018) đặt vấn đề, miễn phí cho khách một điểm tham quan để khách lưu trú thêm một đêm ở Huế. Sự hợp tác này không được triển khai vì không thể miễn phí tham quan và một lượng khách nhất định đã không chọn lưu trú ở Huế. Khi phân tích mặt được và không được, rõ ràng lưu trú thêm một đêm sẽ kéo thêm nhiều dịch vụ khác, tăng mức chi tiêu của khách cao hơn so với chi phí của một điểm tham quan.

Theo các DN du lịch, chính sách giá ở Huế quá “cứng” nên khi xây dựng tour sẽ rất khó có những mức giá cạnh tranh tốt. Ông Trần Văn Truyền, Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH TM và DV du lịch Bạn Đồng Hành (A Travel Mate) cho biết, chính sách giá về tham quan các điểm di tích Huế chưa thể xem DN là đối tác, nguyên tắc trong kinh doanh là “Win – Win” (hai bên cùng có lợi) gần như là không có. Ở đây, DN không đòi hỏi quá nhiều quyền lợi, nhưng với số lượng đưa khách về cho Huế lớn, phải cần có những ghi nhận và ưu đãi. Lâu nay vẫn chỉ dừng lại nếu đoàn khách trên 15 khách mới miễn phí cho hướng dẫn viên, còn dưới, hướng dẫn viên cũng phải mua vé. Phía DN đã trao đổi, đề xuất nhưng chưa nhận được chính sách ưu đãi tốt hơn.

Cuối năm 2018, tại cuộc làm việc giữa Hiệp hội Du lịch tỉnh và Hiệp hội Du lịch Hải Phòng, phía DN tỉnh bạn băn khoăn vì giá dịch vụ ở Huế cao so với khu vực dẫn đến tổng giá tour cao hơn. Đại diện Hiệp hội Du lịch tỉnh nhìn nhận, khi làm tour ở Huế, luôn có một khoảng chi phí cao vì mua vé tham quan di tích. Một lý do nữa là vận chuyển khách đến Huế bằng đường hàng không có giá cao hơn so với Đà Nẵng.

Cần có "khung" mở

Hội đồng Nhân dân tỉnh vừa thông qua đề xuất của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tăng giá vé tham quan các điểm di tích từ đầu năm 2020. Ông Vũ Văn Chương, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tự hào Việt Nam - Huế cho rằng, tăng vé tham quan thể hiện xu hướng phát triển. Nhưng thời gian qua có khá nhiều ý kiến và những trăn trở từ phía cộng đồng DN. Theo nguyên tắc, để tăng giá dịch vụ, đòi hỏi phải có những điều khác, thêm dịch vụ mới, hay một điểm nhấn nào đó… Nhưng hiện nay, phía di tích chưa thông báo, hay có những quảng bá những dịch vụ mới, điều này khiến DN cũng bị động luôn về giá tour của mình.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Đinh Mạnh Thắng cho rằng, tăng giá là  phải đi đôi với tăng chất lượng, tăng số lượng dịch vụ và những thụ hưởng mới cho du khách.

DN mong mỏi, Huế cần sớm có những chính sách kích cầu, chẳng hạn như đây là thời điểm thấp điểm của khách nội địa, có thể có chương trình giảm giá vé, hay thêm tiện ích cho khách nội địa. Ngược lại đối với mùa thấp điểm khách quốc tế cũng tương tự. Bởi theo các DN, điểm đến mới thu hút khách, đơn vị làm tour chỉ định hướng và sắp xếp lịch trình phù hợp.

Theo Hiệp hội Du lịch, những cơ quan quản lý Nhà nước đang quản lý và khai thác các điểm du lịch cần có những nghiên cứu và vận hành các hoạt động bằng cơ chế linh hoạt hơn, chuyển từ quản lý sang kinh doanh mới hiểu được những quy luật, những nguyên tắc cơ bản của kinh doanh, trong đó có giá.

Ở một khía cạnh khác, từ góc độ DN và Hiệp hội, ông Đinh Mạnh Thắng khẳng định, xã hội hóa các dịch vụ là xu hướng tất yếu vì hai vấn đề là chất lượng dịch vụ tốt hơn và nguồn thu cao hơn, hiệu quả khai thác sẽ tốt hơn. Cụ thể như phía di tích không có khả năng khai thác ban đêm, nhưng DN khai thác sẽ khác. Tỉnh đã có định hướng về xã hội hóa đã hơn 5 năm, nhưng không triển khai được cũng cần đặt câu hỏi vì sao.

Giá cả luôn là yếu tố then chốt tác động trong cạnh tranh, thông qua giá cả mà du khách lựa chọn điểm đến. Đã đến lúc du lịch Huế cần nhìn nhận và vận hành theo nguyên tắc của cơ chế thị trường.

Bài, ảnh: Quang Sang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top