ClockThứ Tư, 28/02/2018 12:41

Bị động, nhưng bao giờ mới hết?

TTH - Tăng trưởng gần 10% là một con số được xem là lý tưởng và theo dự báo, lượng khách này còn tăng trong vài năm nữa, tuy nhiên làm gì và làm như thế nào để đón lượng khách này một cách có chất lượng lại là cả vấn đề đối với du lịch Huế.

Quy định mới sẽ kiểm soát hướng dẫn viên hoạt động trái phépHuế thành lập Chi hội Hướng dẫn viên du lịchTiếp tục kết nạp hướng dẫn viên vào chi hộiBài toán hướng dẫn viên tiếng hiếmXây dựng hình ảnh hướng dẫn viên chuyên nghiệp

Khách châu Á tham quan Huế

Tăng trưởng gần 10% (năm 2016 chiếm 16,23% và 2017 chiếm 25,5% trong tổng lượng đến của khách quốc tế) và hiện đang đứng đầu bảng các thị trường khách đến Huế nhưng ở thời điểm này, chúng ta mới chỉ có 10 hướng dẫn viên (HDV) du lịch tiếng Hàn. (Du lịch Huế còn bị động trong việc đón khách Hàn Quốc – Báo Thừa Thiên Huế số 7219 ngày 24/2/2017). Ở một phép so sánh cụ thể với con số 25% trong 1,5 triệu lượt khách của năm 2017, lượt khách Hàn đến Huế sẽ vào khoảng 382.500. Nếu tính bình quân, mỗi HDV phải hướng dẫn cho gần 38.000 lượt. Đây quả là con số không tưởng nếu không có sự trợ giúp của HDV được “chi viện” từ Đà Nẵng, hoặc HDV được chính các đoàn khách “mang” theo.

Nhưng không phải chỉ Huế mới thiếu HDV tiếng Hàn và cũng không chỉ thiếu HDV tiếng Hàn. Ngay cả địa phương mà du lịch Huế đang phải “nhờ vả” cũng chỉ có 67 HDV, và cho dù chỉ hướng dẫn 50% trong tổng số 600.000 lượng khách đi qua tour thì cũng đã là quá sức đối với đội ngũ này. Chính vì thế, dù được trả đến 1 triệu đồng/người/ngày nhưng nhiều công ty du lịch vẫn kiếm không ra người. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch, đến cuối tháng 11/2017, cả nước chỉ có 161 HDV tiếng Hàn. Tiếng Nhật khá hơn - có 354 HDV, 1.230 HDV tiếng Pháp, 2.686 HDV tiếng Hoa và nhiều nhất là HDV tiếng Anh (6.630 người). HDV cho khách đến từ Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha… rất ít ỏi.

Sử dụng cả sinh viên, hoặc chuyển ngữ qua tiếng Anh (phải có thêm phiên dịch biết tiếng Anh từ phía khách)… là điều mà các công ty du lịch buộc phải chấp nhận và đề nghị được chấp nhận, song điều này xem ra vẫn quá tải. Đấy là chưa nói đến chất lượng của các cuộc hướng dẫn cũng như mức độ đánh giá về sự hài lòng từ phía khách.

Tăng trưởng gần 10% là một con số được xem là lý tưởng và theo dự báo, lượng khách này còn tăng trong vài năm nữa, tuy nhiên làm gì và làm như thế nào để đón lượng khách này một cách có chất lượng lại là cả vấn đề đối với du lịch Huế. Rất nhiều điều đã được nhìn thấy, chẳng hạn số ngày lưu trú của khách Hàn còn ngắn, dù đa phần sử dụng dịch vụ lưu trú cao cấp; khách thích ẩm thực nhưng chúng ta chưa có những nhà hàng đủ lớn cho khách đoàn, cũng chưa đáp ứng được nhu cầu mua sắm vì chưa có các trung tâm thương mại quy mô và chất lượng cao…

Không có chuyến bay đến Hàn Quốc, việc đón khách đến Huế hầu như đang phụ thuộc vào các hãng lữ hành đứng chân tại Đà Nẵng. Việc xúc tiến, quảng bá và giới thiệu du lịch Huế cũng đã được tính đến thông qua liên kết, phối hợp với Đà Nẵng, Quảng Nam. HDV thì không đủ để đáp ứng. Đây chính là những áp lực trở lại đối với du lịch Huế khi muốn đón thêm và tăng thị phần khách đến Huế từ thị trường này. Khó có thể trông đợi vào một sự san sẻ, nếu điều đó không bắt đầu từ nhu cầu của du khách, của người làm tour và đương nhiên, cả về những điều khoản, tỷ lệ % mà họ sẽ nhận được. Áp lực này đồng thời cũng là một mâu thuẫn chưa biết bao giờ mới giải quyết được, nhất là về “cầu nối” quan trọng nhất – HDV. Huế sẽ còn phải chấp nhận sự thiếu hụt và cả phụ thuộc này đến bao giờ e là câu hỏi khó trả lời. Và nếu kéo dài tình trạng này, vấn đề sẽ không nằm ở lượng khách đến với những phần chi phí không lớn từ họ cho lưu trú, giải trí, mua sắm…

Hoạch định hay kiến tạo một chính sách, một giải pháp đương nhiên không thể là điều có thể trong ngày một ngày hai. Nhưng có ổn không nếu cứ chấp nhận những giải pháp tình thế, đối phó. Và đương nhiên, điều này cũng sẽ không cho một kết quả tốt nếu chỉ đơn phương quan tâm đến xúc tiến và quảng bá để đón khách tới Huế từ Hàn, hay nhiều thị trường khác trong khi khan hiếm HDV tiếng nước họ và những yêu cầu khác về sản phẩm, các tour tuyến mới và các dịch vụ kèm theo ở điểm đến...

Minh Hà

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới

Khảo sát của Booking.com chỉ ra 7 xu hướng du lịch được du khách yêu thích trong năm 2024. Thừa Thiên Huế có điều kiện thuận lợi để đáp ứng các xu hướng mới về du lịch. Vấn đề đặt ra là sự chủ động trong việc nắm bắt và khai thác lợi thế.

Chủ động hơn với xu hướng du lịch mới
Return to top