ClockChủ Nhật, 05/06/2022 22:44

Bé Sữa

Dưới tán cây lộc vừngNami mùa cây vàng lá

Sáng đó, một sự việc đã làm xáo trộn cả xóm. Đó là một buổi sáng mùa hè, đánh thức ba chị em Hoa dậy không phải bằng tiếng khua xoong chảo của mẹ. Cũng không phải bằng tiếng gọi ồm ồm của bố. Mà là tiếng ồn ào ngoài cổng, tiếng gào khóc của trẻ con vang lên đâu đó rất gần. Hoa bật dậy, dụi mắt thoát khỏi cơn ngái ngủ chạy ra ngoài. Rẽ đám đông đang vây lại xúm xít ngoài cổng nhà mình. Hoa thấy một đứa bé đang được chuyền từ tay người này sang người kia, dưới đất là chiếc làn nhựa và vài bộ quần áo sơ sinh. Đứa trẻ không ngừng khóc, cho dù ai cũng cố gắng dỗ dành, nựng nịu. Nó được chuyền từ tay cô Hạnh, sang bà Hoài, chị Lựu. Ngồi bệt xuống đất, chị Lựu không ngại ngùng vạch ti cho thằng bé bú. Chị Lựu vừa mới sinh được ít ngày, sữa căng cứng, thế mà thằng bé không chịu bú. Nó càng khóc thét lên, mắt nhắm tịt, mặt đỏ gay. Ai đó nói:

- Chắc là ngửi mùi sữa nó nhớ mẹ đấy.

- Ờ, trẻ con khôn lắm. Nó nhận ra không phải mùi sữa mẹ nó đấy. Tội nghiệp quá. Không biết người mẹ nào lại lỡ bỏ rơi con thế này.

Bác Xuân từ đâu đó hớt hải chạy đến. Bác chìa tay đỡ lấy đứa trẻ đang khóc ngằn ngặt ôm vào lòng mình. Bác vốn được tiếng khéo dỗ trẻ con ở xóm này. Mà thật ra là trẻ con cứ vây lấy bác suốt ngày, từ đứa lớn đến đứa nhỏ. Ở xóm cứ đứa nào ốm đau, quấy khóc là ấn vào tay bác, tự khắc ngoan. Ấy vậy mà bác bá lấy nhau đã mười mấy năm vẫn không có nổi một mụn con. Dù đã chạy chữa, cầu cúng khắp nơi tốn kém bao nhiêu tiền vẫn chẳng có tin vui. Năm ngoái Hoa nghe mẹ kể bác đã đi xin con nuôi mấy nơi, nhưng chẳng hiểu sao cứ gần đón về lại gặp chuyện no,̣ chuyện kia. Bác cười bảo: “Chắc duyên chưa tới”. Đứa trẻ bị bỏ rơi sau khi nằm trong vòng tay bác tiếng khóc nhỏ dần rồi im bặt. Nó nấc lên vài tiếng, miệng mếu máo rồi nhìn bác nhoẻn cười. “Tội nghiệp con quá. Bụ bẫm đáng yêu như thế này cơ mà. Người mong mãi chẳng được. Người thì…”. Cả xóm lặng người, vừa mừng vừa thương. Dù chẳng ai nói với ai nhưng mọi người đều nhận ra một sợi dây gắn kết nào đó giữa bác Xuân và đứa trẻ. Suốt mấy ngày hôm nay, tiếng loa xã phát bản tin “tìm người thân cho trẻ em bị bỏ rơi”. Nghe nói bản tin này được phát cả trên đài truyền thanh của huyện. Lần nào mấy chị em Hoa cũng dỏng tai nghe, thằng út hỏi:

- Liệu bố mẹ đứa bé có đến nhận lại em ấy không nhỉ? Em không tin bố mẹ lại có thể bỏ rơi được con mình. Hay ai đó đã cướp đứa bé từ tay bố mẹ em ấy, rồi mang đến đây?

- Nếu thế thì bố mẹ em ấy đã đi tìm khắp nơi. Đã nửa tháng rồi còn gì. Đâu có ai tới nhận?

Trong lúc chờ người nhà đến nhận, em bé được bác Xuân mang về nhà chăm sóc. Căn nhà nhỏ nằm sâu bên trong xóm, thường ngày yên tĩnh mà giờ đông vui hẳn. Ngày nào cũng thế, bà con hàng xóm thường ghé qua thăm thằng nhỏ. May quá, xóm có hai người mẹ mới sinh, đang còn nuôi con nhỏ bằng sữa mẹ. Họ thường tranh thủ lúc con ngủ chạy ngay sang cho thằng bé ăn ti. Không phải bầu sữa nào cũng căng để thằng nhỏ rít một hơi no bụng nằm lăn ra ngủ. Có những hôm mất sữa, bầu vú lép kẹp, những người mẹ ấy vẫn chiu chắt cho thằng nhỏ những giọt sữa ấm lòng. Rồi người mang cho túi bỉm, người gói ít quần áo sơ sinh, người mua cho cái vòng dâu tằm xua đuổi âm khí để “đêm thằng bé dễ ngủ, không quấy khóc”. Không chỉ các bà, các cô, các chị mới qua thăm để nựng nịu, ẵm bồng. Mấy bác trai đi làm về cũng tạt qua hỏi thăm xem thằng nhỏ có ngoan không? Có tin gì về bố mẹ đứa bé không? Hoặc có khi họ dúi cho bác Xuân nắm lá chè “vợ em sai mang sang để đun nước cho thằng nhỏ tắm”. Riêng tụi trẻ con thì cứ tan học về là xúm xít ở nhà bác Xuân. Chúng dường như tạm quên hẳn những thú vui khác. Tụi nhỏ thường vây quanh em bé, làm đủ mọi trò nhí nhố. Hoa hay nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của em, thương quá chừng thương. Hoa hỏi bác Xuân:

- Em bé tên là gì vậy ạ?

- Cứ gọi em là Sữa.

- Vú Sữa? Nghe ngọt ngào biết bao. Nhưng sao bác lại đặt em là Sữa ạ?

- Thì em được nuôi lớn bằng dòng sữa ngọt của những người mẹ trong làng. Cả đời em sẽ được lớn lên trong tình yêu thương ngọt ngào như dòng sữa.

Hoa thơm nhẹ lên tay em bé, nựng nịu:

- Em tên là Sữa ư? Thảo nào mà tay em thơm quá.

- Con trai tay thơm để làm gì? Con trai chỉ cần một đôi tay khỏe mạnh. Lớn nhanh lên em nhé, anh sẽ cho đi đá bóng cùng. Tay khỏe thì làm thủ môn bọn mày nhỉ?

- Đúng rồi! Tay khỏe chơi kéo co cũng thắng.

- Ơ thế nhưng Sữa chỉ là tên ở nhà. Còn tên đi học của em bé là gì bác Xuân ơi?

- À, em bé vẫn chưa được đặt tên. Sau này nếu người thân đón em trở về thì họ sẽ đi khai sinh và đặt tên cho bé.

- Nhưng nếu không ai đến nhận lại em ấy thì sao ạ?

- Thì bác sẽ nhận nuôi em bé. Lúc ấy chúng ta sẽ nghĩ cho em bé một cái tên thật hay nhé.

Tụi nhỏ nhảy tưng tưng, chúng thi nhau nghĩ ra những cái tên thật hay, thật ngầu, để đặt cho em bé. Bác Xuân cười ngả nghiêng, em bé hình như cũng thích thú, tay chân cứ khua khoắng mãi thôi. Từ khi Sữa xuất hiện, trong bữa cơm mỗi gia đình thường hay nói về thằng nhỏ. Mẹ vẫn hay thở dài bảo với tụi Hoa:

- Chắc họ có nỗi khổ tâm nào đó. Nhưng có cơ cực thế nào, dù có phải đi ăn xin chăng nữa cũng không nên vứt bỏ con mình.

- Thôi, nghiệp họ thì họ gánh. Chỉ mong thằng bé mạnh khỏe lớn lên.

Cũng có khi đứa trẻ nào trong xóm nghịch hư, lười học là thể nào cũng dính mắng: “Biết bao nhiêu đứa trẻ ngoài kia không có cơm ăn, tối không có mái nhà nào che mưa che nắng. Đây con được bố mẹ chăm lo, cho học hành tử tế mà còn không chịu khó, chăm ngoan”. Cuối cùng thì một tháng đã trôi qua, không có người thân nào đến nhận Sữa về. Mọi người đã thôi không buồn trách ông bố, bà mẹ vô tâm nào đó. Ai cũng bận hỏi han, chúc mừng nhà bác Xuân có thêm thành viên mới. Sau khi hoàn thành tủ tục nhận con nuôi và khai sinh cho Sữa, bác Xuân quyết định làm mấy mâm mời cả xóm. Thằng nhỏ được đặt tên là là Trần Tươi Sáng, với hy vọng nó có một tương lai sáng sủa. Thấy người lớn ai cũng có quà cho Sữa, tụi Hoa bảo nhau:

- Bọn mình cũng phải có quà gì đó cho em bé chứ nhỉ?

- Nhưng em còn bé đâu có biết chơi gì, ăn gì.

- Thì mình nghĩ cái gì khác đi.

- Cái gì là cái gì? Hay là chúng mình đập lợn góp tiền mua quần áo cho Sữa? Bọn mình đều nuôi lợn mà.

- Mẹ tớ bảo Sữa đầy quần áo mà trẻ con mặc mau thay lắm, đừng mua. Tớ có ý này, hay là tụi mình trồng tặng Sữa một cái cây trong vườn nhà bác Xuân.

Cả bọn mắt bỗng sáng lên, mừng rỡ nhao nhao bảo: Đúng rồi! Đúng rồi. Ý kiến hay. Nhưng trồng cây gì mới được? Một cuộc tranh luận lại diễn ra sôi nổi, đôi lúc có phần ồn ào quá. Đứa bảo trồng cây bưởi vừa có hoa thơm, vừa có trái ngọt lớn lên bé Sữa ăn. Đứa bảo trồng một cây hoa dẻ, mùi thơm rất dễ chịu. Nhưng con trai ai lại trồng tặng cây hoa? Thì có sao đâu, trai hay gái ai mà chẳng thích hoa. Đứa bảo trồng một cây sầu riêng. Đất này trồng sầu riêng làm gì có quả? Ơ thế mới khoái chứ, vừa trồng vừa chờ đợi nó mới hồi hộp. Cứ trồng loại cây mà biết chắc nó ra hoa kết trái thì còn gì thú vị. Vài đứa gật gù, tỏ vẻ đồng ý. Nhưng Hoa ra dáng đàn chị, đã dẹp ngay cái ý tưởng “không thực tế” ấy. Hoa bảo, trồng một cây vú sữa là thích hợp nhất. Vì hôm đó bé Sữa bị bỏ nơi dưới tán cây vú sữa. Quả vú sữa cũng thơm ngon, ai mà chẳng thích mê. Ừ, cũng được. Nhưng kiếm đâu cây vú sữa bây giờ? Hoa bảo:

- Nhớ đoạn khúc cua bên dốc rừng trên đường đi học về không? Bên bìa rừng có một cây vú sữa mọc hoang. Mai đi học về tụi mình đào mang về trồng.

- Nhất trí.

Chiều hôm cây vú sữa mọc hoang đã được trồng trong vườn nhà bác Xuân. Tụi nhỏ hứa thỉnh thoảng sang thăm Sữa sẽ tưới cho cây. Nếu nhanh chỉ vài năm là cây đã vươn cành tỏa bóng, cho những trái chín ngọt lành. Vợ chồng bác Xuân cảm động trước món quà đặc biệt này. Tuổi của cây sẽ được tính theo tuổi đời một con người. Sau này khi Sữa lớn lên, mỗi một dịp sinh nhật là cây vú sữa cũng sẽ thêm một tuổi. Bác Xuân mang chiếc võng ra trước hiên nhà, nằm đung đưa ru con ngủ. Bác ôm Sữa vào lòng hít hà mãi không thôi. Bác không thấy có điều gì xa cách. Thằng nhỏ đang nằm ngủ ngoan trên tay như có sợi dây gắn kết thiêng liêng. Bác sẽ trân trọng cơ duyên này. Sẽ cho Sữa một mái ấm gia đình. Sẽ chăm sóc cho Sữa bằng tình yêu của một người mẹ hiền. Bác nhìn ra ngoài vườn chỗ cây vú sữa tươi xanh, miệng hát ru khe khẽ: “Cây xanh…ơ… thì lá cũng xanh/Cha mẹ ớ… hiền lành…ớ… để đức cho con”. Gió gió lao xao khua tiếng lòng bình yên, hạnh phúc…

BÙI MAI

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ

Sáng 15/4, Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh tổ chức Lễ bàn giao di vật, kỷ vật của liệt sĩ cho thân nhân 2 gia đình liệt sĩ tại Thừa Thiên Huế.

Bàn giao di vật, kỷ vật cho thân nhân gia đình liệt sĩ
Lòng biển

“Lòng biển rộng đến chừng nào?”. Khôi vẫn thường hỏi thế mỗi khi lang thang trên bãi biển. Tuy chẳng rõ, nhưng với anh biển mênh mông lắm.

Lòng biển
Không thể “nhỏ hơn”

Ngót nghét cả mấy năm nay nội tôi già ốm. Nội một mình ở quê nên cả nhà tôi thay nhau tối về chăm mệ. Nội vẫn đi lại được nhưng tuổi đã 85 nên biết đâu được “trái gió trở trời”, không thể lường hết mọi chuyện xảy ra ba tôi phải làm ngay lịch phân công để đêm nào cũng có người bên cạnh mệ. Lo ăn sáng cho nội, tôi mới phát hiện ở làng Dã Lê quê tôi nằm cạnh Quốc lộ 1A có một quán cháo gạo lứt cá kho tuyệt ngon. Không chỉ nội mà cha con tôi ăn quen nên ai cũng nghiện.

Không thể “nhỏ hơn”
Ngọn hải đăng

Những lá thư anh viết cho tôi đều trên giấy học trò. Giữa thời buổi điện thoại di động, điện thoại bàn, thậm chí chỉ cần có một chiếc điện thoại thông minh với 4G là có thể nói chuyện, nhắn tin cho nhau. Vậy mà, anh vẫn viết thư cho tôi. Anh giải thích: “Hiện tại trên thế giới, người Pháp vẫn viết thư cho nhau, bởi nhìn mặt chữ như nhìn mặt người. Vả lại, chỉ có chữ viết mới có thể nói hết lời yêu thương”. Anh đã tạo cho tôi một thói quen nhận thư vào mỗi tuần. Chính từ những lá thư anh gởi, tôi mới phát hiện ra rằng, người đưa thư trong xóm tôi vẫn phải đưa thư đúng 7 ngày trong tuần. Anh dùng chiếc bì thư bán ở bưu điện để gởi. Nét chữ của anh cứng rắn khác với tính tình hiền dịu của anh.

Ngọn hải đăng
Du lịch cắm trại “bùng nổ”

Du lịch cắm trại đang thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ. Ngày hè, vào dịp cuối tuần hay vào các kỳ nghỉ ngắn ngày, nhiều nhóm bạn, gia đình, người thân tìm nơi tĩnh lặng để được hòa mình vào thiên nhiên, cảm nhận cuộc sống yên bình…

Du lịch cắm trại “bùng nổ”
Return to top