ClockThứ Bảy, 18/11/2017 13:16

Bất cập trong quản lý du lịch: Đừng đổ lỗi

TTH - Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, liên quan đến nhiều ngành, nghề. Sự phối hợp trong quản lý, tổ chức thực hiện giữa các cơ quan chức năng chưa “nhịp nhàng” đang cản trở sự phát triển của du lịch Huế.

Kẽ hở & lúng túng

Rất phổ biến hiện nay trong kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch là khi xây dựng, nhiều chủ cơ sở xin phép là nhà ở tư nhân. Sau khi hoàn thiện mới xin giấy phép kinh doanh dịch vụ lưu trú. Bằng hình thức này, nhiều chủ cơ sở đã “lòn” được các quy định bắt buộc khi kinh doanh lưu trú: phương án thiết kế xây dựng, đảm bảo vệ sinh, môi trường, phòng cháy chữa cháy, nơi để xe… Các cơ quan chức năng thừa nhận biết điều này, nhưng không xử lý được.

Sở Du lịch khẳng định dịch vụ cho khách du lịch thuê xe máy không phải sở quản lý

Phòng Quản lý đô thị TP. Huế lý giải, với các quy định hiện hành, đối với cấp phép nhà ở tư nhân chỉ giới hạn chiều cao, lộ giới, kiến trúc ngoài, còn số lượng phòng bao nhiêu không hề bị kiểm soát. Sau khi xây dựng xong, nếu không vi phạm các quy định trên thì cơ quan quản lý cấp sổ hồng cho người dân. Có nhiều nhà xây dựng 20 phòng ngủ, thậm chí hơn nhưng không thể cấm. Việc kinh doanh sau khi đã hoàn thiện nhà lại thuộc về các cơ quan cấp phép và quản lý kinh doanh.

Từ thông tin của Sở Du lịch, chúng tôi liên hệ với một số chủ cơ sở lưu trú ở kiệt 66 Lê Lợi (TP. Huế), đang bị liệt kê vào danh sách kinh doanh sai quy định. Sau nhiều lần hẹn, chúng tôi mới gặp được chủ của một cơ sở. Chủ nhà nghỉ cho biết hoạt động được 3 năm và ngôi nhà đang kinh doanh được thuê lại từ một người khác. Chủ nhà nghỉ cung cấp một số giấy tờ liên quan, gồm: giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ gia đình do UBND TP. Huế cấp với vốn ban đầu là 2 tỷ đồng, giấy chứng nhận an ninh trật tự và 1 giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy. Riêng giấy chứng nhận phương án đảm bảo về vệ sinh môi trường như quy định thì không có, nhất là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch do Sở Du lịch cấp. Chủ doanh nghiệp này cho rằng, đang kinh doanh nhà nghỉ bình thường chứ không phải lĩnh vực du lịch nên không cần xin giấy chứng nhận của Sở Du lịch, dù hôm chúng tôi đến làm việc thì đang có khách người nước ngoài thuê phòng nghỉ.

Một lữ hành có biển quảng cáo lớn nhưng chưa xin phép kinh doanh

Trong các thông tin mà Phòng Quản lý Đô thị TP. Huế cung cấp, người viết vô cùng bất ngờ bởi hầu hết khách sạn, nhà nghỉ du lịch đang sử dụng đất sai mục đích, kể cả những khách sạn đã được Tổng cục Du lịch thẩm định và xếp hạng sao. Ông Nguyễn Mậu Thương, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị TP. Huế khẳng định, theo điều 91 của Luật Xây dựng năm 2014, điều kiện để cấp giấy phép xây dựng đối với công trình trong đô thị là phải phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Luật quy định rất rõ, đối với đất được cấp là đất ở thì chỉ được sử dụng vào mục đích làm nhà ở, không được sử dụng vào các mục đích khác. Nếu sử dụng sai mục đích, yêu cầu phải chuyển đổi mục đích sử dụng, như kinh doanh dịch vụ du lịch thì phải chuyển đổi sang đất dịch vụ - du lịch. Tuy vậy, một số khu vực trung tâm thành phố, như tại phường Phú Hội không thể chuyển đổi sang đất du lịch vì đã quy hoạch chỉ là đất ở kết hợp thương mại. Căn cứ vào đó, ở kiệt 66 Lê Lợi, hay kiệt 42 Nguyễn Công Trứ nối Nguyễn Thái Học đang có hàng chục nhà nghỉ, khách sạn vi phạm.

“Ma trận” dịch vụ lưu trú ở kiệt 66 Lê Lợi

Sở Du lịch thừa nhận, trong quản lý cơ sở lưu trú, nhất là các nhà nghỉ hiện nay tồn tại nhiều bất cập và chưa có giải pháp hữu hiệu. Công đoạn xây dựng và cấp giấy kinh doanh, Sở Du lịch không hay biết, chỉ đảm nhiệm công tác hậu kiểm, mà khi đó thì “chuyện đã rồi”. Trước đây, khi chưa bỏ các giấy phép con, Sở Du lịch có can thiệp vào ở các công đoạn ban đầu, giờ thì không hay biết gì. Đây chính là nguyên nhân khiến Sở Du lịch không thể nắm được tốc độ tăng trưởng và chất lượng của dịch vụ lưu trú hiện nay.

Ngoài việc “lúng túng” trong quản lý dịch vụ lưu trú, quản lý hoạt động lữ hành cũng trong tình trạng bị động tương tự. Hiện ngay ở các trục đường trung tâm, như Phạm Ngũ Lão, Chu Văn An, Võ Thị Sáu, Nguyễn Tri Phương… có hàng loạt doanh nghiệp treo biển rất to, nhưng đều kinh doanh sai quy định. Đó là chưa kể hàng loạt doanh nghiệp trá hình kinh doanh bằng điện tử, không có trụ sở cụ thể. Nắm danh sách các lữ hành kinh doanh đúng quy định mà Sở Du lịch cung cấp, chúng tôi tìm đến một doanh nghiệp không có tên trong danh sách này ở đường Võ Thị Sáu. Chủ doanh nghiệp cho rằng, đã có giấy chứng nhận kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp và không biết có thêm quy định phải xin phép Sở Du lịch. Điều thắc mắc là, doanh nghiệp này kinh doanh đã hơn 10 năm qua, vậy mà ngành du lịch chưa có một động thái xử lý nào.

Trách nhiệm chính thuộc về ngành du lịch

Hệ quả mà du lịch Huế đang hứng chịu từ việc kinh doanh trái quy định đang hiện hữu, đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, các doanh nghiệp cứ kìm hãm nhau trong “ao làng” bởi sự phá giá tour, nhất là phá đi quy hoạch của đô thị, ô nhiễm môi trường... Với riêng dịch vụ lưu trú, cung vượt quá cầu, trong khi nhu cầu của khách chỉ “lấp” được khoảng 50% tổng số phòng hiện có. Đó chính là lý do khiến giá dịch vụ lưu trú ở Huế đã triển khai nhiều giải pháp mà vẫn chưa thể kéo lên. Và với sự kiểm soát “bị động” như hiện nay, giá lưu trú khó có thể tăng trong thời gian đến.

Không đăng ký kinh doanh sẽ không kiểm soát được số lượng khách lưu trú, điều này dẫn đến thất thu thuế (Trong ảnh: một khách sạn ở kiệt 42 Nguyễn Công Trứ chưa được xếp hạng)

Việc doanh nghiệp không biết có quy định xin phép với Sở Du lịch, ông Trần Viết Lực, Trưởng phòng Nghiên cứu Phát triển du lịch (Sở Du lịch) khẳng định, doanh nghiệp nói như thế là sai lại càng sai. Đã tham gia kinh doanh thì phải biết Luật Kinh doanh. Luật Kinh doanh quy định rõ, muốn kinh doanh ngành nghề nào, sau khi đăng ký kinh doanh ở Sở Kế hoạch và Đầu tư thì phải thông báo với ngành dọc để quản lý. “Nếu doanh nghiệp không báo cáo hoạt động thì đó là hoạt động chui. Sở dĩ các cơ sở không thông báo là do họ cố tình trốn thuế, bởi nếu báo cáo số lượng khách thì phải đóng thuế theo quy định.”- ông Trần Viết Lực khẳng định.

Vì sao đang có số lượng lớn doanh nghiệp, cơ sở lưu trú hoạt động sai quy định trong thời gian dài như thế Sở Du lịch không xử lý được? Ông Trần Viết Lực thừa nhận, lực lượng thanh tra Sở Du lịch quá mỏng, với 3 người thì không kiểm soát được. Khi có phản ánh từ một doanh nghiệp nào đó mới biết và đến xử lý. Bà La Thị Thanh Luyến, Trưởng phòng Quản lý Lưu trú (Sở Du lịch) cho biết, hiện các nhà nghỉ không làm hồ sơ đăng ký thì không thể kiểm soát số lượng, thẩm định chất lượng càng không có. Qúa trình cấp phép xây dựng, cấp giấy đăng ký kinh doanh không có sự phối hợp nào với ngành du lịch, khi các khách sạn, nhà nghỉ đưa bảng hiệu lên mới biết và kiểm tra.

Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay, dịch vụ lưu trú là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, do đó phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh từ Sở Du lịch mới hoạt động đúng quy định. Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp giấy đăng ký kinh doanh. Để đủ điều kiện kinh doanh thì doanh nghiệp cần có giấy đăng ký kinh doanh từ Sở Kế hoạch và Đầu tư kèm các điều kiện khác để xác nhận đủ điều kiện kinh doanh. Đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện chỉ được phép hoạt động khi đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Ông Phạm Minh Tâm, Trưởng phòng Quản lý Xây dựng (Sở Xây dựng) nêu ý kiến, nếu quy trách nhiệm cho ngành xây dựng vì không kiểm soát xây dựng là “nói cho xong chuyện”. Bởi, nếu là nhà ở tư nhân sau đó chuyển sang kinh doanh dịch vụ du lịch thì ngành xây dựng không quản lý được vì hầu hết không phải bị hậu kiểm. Trách nhiệm của Sở Du lịch là phải kiểm tra các điều kiện mới cấp chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh.

Căn cứ vào hai lý do, doanh nghiệp không đăng ký nên không kiểm soát được và một số hoạt động do các ngành khác quản lý chứ không phải du lịch là còn thiếu trách nhiệm. Tất cả những gì đang xảy ra là công tác quản lý còn quá lỏng lẻo, sự phối hợp chưa chặt chẽ. Trách nhiệm của ngành ngành du lịch, trước những tình trạng gây ảnh hưởng đến du lịch, nếu không đủ sức để kiểm soát được thì cần phải chủ động lên tiếng, phản ánh và yêu cầu các bên liên qua vào cuộc. Đó cũng là yêu cầu của lãnh đạo tỉnh trong những hội nghị tổng kết của ngành nhiều năm qua.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực

Mới đây, một sự kiện thu hút sự quan tâm của những ai yêu ẩm thực chính là lễ hội phở vừa được tổ chức tại Nam Định, từ 15-17/3. Một festival khiến chúng ta nghĩ đến bún bò của Huế - một đặc sản ẩm thực nổi tiếng có lẽ không kém phở.

Điểm nhấn cho “bức tranh” ẩm thực
Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đang là thách thức đối với du lịch Việt Nam trước yêu cầu hội nhập quốc tế. Thừa Thiên Huế xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, để phát triển du lịch, phải đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực.

Phát triển du lịch, quan trọng là phát triển nguồn nhân lực
Du lịch không thể phát triển một mình

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từng khẳng định: “Du lịch không thể phát triển một mình”. Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và để phát triển được du lịch phải có sự đồng hành của nhiều ngành, nhiều người.

Du lịch không thể phát triển một mình

TIN MỚI

Return to top