ClockThứ Tư, 02/03/2016 10:53

Bánh đúc xanh chấm mật

TTH - Bánh đúc xanh chấm mật, thứ quà quê quen thuộc ngày xưa nay đã trở lại bởi tiệm bánh của hai bà cháu Trần Thị Gái, năm nay 87 tuổi và người cháu thế hệ 9X.

Số người bán bánh này chỉ đếm trên đầu ngón tay và họ chỉ bán vào dịp đầu năm mới. Có lẽ vì vậy, giá bán bánh đúc xanh chấm mật chẳng rẻ chút nào. Một phần bánh gồm 8 lát nhỏ giá 30 ngàn đồng. Tuy vậy, bánh vẫn rất đắt hàng. “Bánh làm ra chừng nào bán hết chừng đó, khách hàng đến tận nơi mua cũng có, đặt giao hàng tại nhà cũng có. Nhiều người đã trở thành khách hàng quen thuộc của em”, Lê Thị Hồng Hiếu, cháu bà Gái cho hay.

Bà Nguyễn Châu Linh, 70 tuổi ở phường Phường Đúc (TP Huế) cho biết, khi thấy con dâu mua về ăn tôi vô cũng ngạc nhiên bởi đây là món ăn rất thịnh hành trước đây. Lúc ba, mạ chồng tôi còn sống cũng rất thích ăn món này nên tôi đã nhờ con dâu mua về cúng đầu năm. “Coi đây như món ăn mới mà quen để mời ông bà tổ tiên”, bà Linh nói.

Bánh đúc xanh chấm mật dù giá cao vẫn hút khách

Bước vào tuổi 87 nhưng bà Trần Thị Gái còn rất khỏe. Bà hào hứng khi kể cho chúng tôi nghe về bánh đúc xanh chấm mật nghe lạ với nhiều người nhưng rất đỗi quen thuộc với bà. Mấy chục năm trước, cùng với bánh đúc, bánh đúc xanh chấm mật là “cần câu cơm” của gia đình bà. “Nhờ làm bánh tui mới có tiền nuôi con. Lâu dần, ẩm thực của người dân thay đổi, thị trường xuất hiện nhiều loại bánh ngon, kể cả bánh ngoại nhập nên lượng người ăn giảm dần, buôn bán không có lời tui đành chuyển nghề”, bà Gái trầm giọng.

Theo bà Gái, từ xưa bánh đúc và bánh đúc xanh là món ăn dân dã được rất nhiều người ưa chuộng bởi rẻ tiền, no lâu. Cách làm bánh đúc và bánh đúc xanh tương tự. Nếu so sánh thì bánh đúc xanh có cách làm công phu hơn. Để làm ra được mẻ bánh đúc xanh phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ. Gạo phải chà với nước cho thật sạch để khi đổ bánh không bị chua. Tiếp đó, ngâm gạo với nước tro lò. Đây là loại nước được bà Gái lóng lại từ loại tro củi hoặc tro lá cây không lẫn tạp chất của các loại nhiên liệu khác và phải được nấu trong lò, mục đích là để bánh được giòn ngon một cách tự nhiên. Sau đó, đem gạo xay lẫn với nước cho ra bột nước. Bột phải xay đi xay lại vài lần cho đến khi thật nhuyễn mịn và lược qua rây cho sạch tạp chất.

Để tạo màu xanh cho bánh, bà Gái dùng những lá non của cây bồng bồng rửa sạch xay lấy nước cốt, trộn với bột gạo đánh thật kỹ rồi đem lên bếp dáo bột cho đến độ đặc sệt, đổ bột ra trên cái khay có lót lá chuối dùng đôi đũa nấu bếp loại lớn gạt cho mặt bột phẳng lì, láng lẫy. Cuối cùng đem vào hấp, lúc bánh vừa độ chín mang ra đặt trên trẹt hoặc mâm để nguội. “Nếu nhiều nước bánh sẽ bị nhão, ngược lại ít nước bánh sẽ bị khô. Vì vậy tỷ lệ nước và bột là khâu rất quan trọng để quyết định bánh ngon hay dở”, bà Gái chia sẻ. Bánh làm xong, cô cháu gái bà Gái cắt bánh thành từng miếng nhỏ, gói từng phần vào lá chuối để bán. “Nếu ở chợ thì người bán cắt bánh theo hình vuông hay chữ nhật hay tuỳ vào hứng thú và tài hoa của người bán,  nhưng nếu để dọn khách tại nhà thì chủ nhân đảm đang khéo tay cắt bánh theo hình thoi để khi sắp bánh lên dĩa sẽ có hình ngôi sao hoặc đoá hoa tuỳ vào ý tưởng của người làm và sự cảm nhận của người thưởng thức”, bà Gái giải thích. Bánh đúc xanh chỉ hợp khi chấm với nước mật được làm ra từ mía. Cầm miếng bánh cắt theo hình thoi nhỏ xinh nhúng vào trong chén mật mía bỏ vào miệng mới cảm nhận được vị ngon của bánh. Vị bùi bùi giòn giòn của bánh hòa quyện vào vị ngọt thơm của mật khiến ai đã ăn một lần thì nhớ mãi.

Bài, ảnh: Hải Thuận

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top