ClockThứ Năm, 13/10/2022 13:45

Bài toán chọn ngành nghề: Có sự lệch pha “cung - cầu”

TTH - Gần đây, một số ngành khối kỹ thuật, như cầu đường, xây dựng, môi trường, các ngành nông - lâm - ngư… có điểm chuẩn không cao nhưng tuyển khó đủ chỉ tiêu, dù đầu ra cơ hội việc làm thuận lợi.

Hơn 100 triệu đồng tặng học sinh nghèo, các hoàn cảnh khó khănĐại học Huế vào bảng xếp hạng đại học uy tín Times Higher EducationTuyển sinh đại học năm 2023: Những cải tiến phù hợpKhả năng nhiều ngành không tuyển sinh đủ chỉ tiêu

Tư vấn hướng nghiệp tốt, thí sinh sẽ thuận lợi trong lựa chọn ngành nghề

Ngành khát người học, việc khan người làm

Mới đây, Hội đồng Tuyển sinh đại học (ĐH) Huế công bố 17 ngành tuyển bổ sung đợt 1 theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) tại Trường ĐH Nông Lâm đều có mức điểm chuẩn là 15 điểm. Dù mức điểm chuẩn thấp, nhưng dự báo khả năng vẫn sẽ có ngành tuyển không đủ chỉ tiêu.

 Một số ngành khối kỹ thuật vài năm trở lại cũng có thực trạng chung như khối ngành nông - lâm - ngư, trong khi thị trường lao động lại rất thiếu nhân lực ở lĩnh vực này. TS. Nguyễn Quang Lịch, Phó Khoa trưởng Phụ trách Khoa Kỹ thuật và Công nghệ, ĐH Huế cho biết, qua các buổi làm việc, nhiều tập đoàn, doanh nghiệp than khó khi thiếu nguồn tuyển. Trong khi đó, dù mức điểm chuẩn nhiều ngành chưa tới 20 điểm, nhưng thí sinh lại ít lựa chọn.

Thực trạng trên cũng là điểm chung của nhiều trường trong nước. Ngay tại Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng sáng 5/10 vừa qua cũng phải công bố tuyển sinh bổ sung cho 8 ngành, với tổng 131 chỉ tiêu. Trong đó, ngành kỹ thuật xây dựng, chuyên ngành tin học xây dựng thông báo mức điểm sàn là 16 điểm. Đối với các ngành công nghệ kỹ thuật vật liệu xây dựng; kỹ thuật xây dựng, chuyên ngành kỹ thuật và quản lý xây dựng đô thị thông minh; kỹ thuật xây dựng, chuyên ngành mô hình thông tin và trí tuệ nhân tạo trong xây dựng; kỹ thuật xây dựng công trình thủy; kỹ thuật xây dựng công trình giao thông; kỹ thuật cơ sở hạ tầng quản lý tài nguyên và môi trường đều ở mức sàn 15 điểm. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng trong đợt 1 cũng chỉ có khoảng 80% số thí sinh đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các ngành khối kỹ thuật như cầu đường, môi trường, công nghệ hóa học - môi trường.

Theo các chuyên gia giáo dục, nếu đánh giá đầu ra việc làm quyết định việc thu hút người học thì với những ngành nông - lâm - ngư, một số ngành khối kỹ thuật xảy ra nghịch lý ngành khát người học, việc khan người làm. Điển hình những năm gần đây, tại các ngày hội tuyển dụng tại Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế, nhu cầu của doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng luôn gấp 2 - 3 lần số sinh viên ra trường, minh chứng là năm 2022, doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng hơn 2.700 chỉ tiêu, vượt xa so với số sinh viên sẽ ra trường đợt này là hơn 1.100 sinh viên. “Nhu cầu tuyển dụng những năm gần đây khá cao, tuy nhiên thực tế vẫn chưa đáp ứng được mong muốn từ doanh nghiệp do cung chưa đủ cầu”, ông Phạm Phú Phát, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam chia sẻ.

Phải định hướng tốt cho thí sinh

Nhìn vào tình hình tuyển sinh năm nay, lại có tình trạng thí sinh “đổ xô” chọn các ngành sư phạm, khối ngành xã hội, khiến điểm chuẩn các ngành tăng đột biến, dẫn đến nhiều thí sinh 26 - 28 điểm vẫn bị trượt nguyện vọng yêu thích. Rõ ràng, những xáo trộn trong tuyển sinh phần nào xuất phát từ bài toán chọn ngành, nghề của thí sinh.

Theo phân tích của một số chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng lệch pha trong cung - cầu nguồn nhân lực do thí sinh và phụ huynh không được cung cấp thông tin đầy đủ về nhu cầu của thị trường lao động, vẫn còn tình trạng lựa chọn ngành nghề theo trào lưu, chưa có sự nghiên cứu kỹ.

Tâm lý chung là học sinh và ngay cả phụ huynh đều có nguyện vọng cho con theo học những ngành nghề thời thượng trong xã hội. Các nghề nghiệp có tính chất nặng nhọc hoặc điều kiện làm việc hơi vất vả, không tập trung tại các thành phố lớn như địa chất, môi trường, cầu đường, nông - lâm - ngư… ít học sinh lựa chọn hơn dù đầu ra sau tốt nghiệp rất thuận lợi. “Dù nhu cầu việc làm rất lớn, nhưng trong suy nghĩ của nhiều thí sinh, họ chưa hiểu và không muốn chọn các ngành nghề liên quan đến nông nghiệp mà thích những ngành nghe “hot” hơn”, PGS. TS. Trần Thanh Đức, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm, ĐH Huế chia sẻ.

Để giải quyết vấn đề trên, khâu dự báo thị trường lao động và định hướng nghề nghiệp cho học sinh THPT rất quan trọng. Ngành chức năng và các địa phương cần phải thống kê được nguồn nhân lực cũng như dự báo thị trường lao động, làm cơ sở để thí sinh nghiên cứu. Hiện nay, công tác hướng nghiệp tại các trường phổ thông còn thiếu thông tin, chủ yếu do giáo viên tự tìm kiếm nên chưa chuẩn xác về tương lai công việc của một số ngành học.

Mặc dù hầu hết cơ sở giáo dục ĐH và trường phổ thông đều có chương trình tư vấn tuyển sinh, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, thế nhưng, kiểu tư vấn “chớp nhoáng”, thời vụ như cách làm của các ngày hội tư vấn tuyển sinh đang diễn ra trước thời điểm học sinh lớp 12 làm hồ sơ đăng ký xét tuyển ĐH, cao đẳng có thể cung cấp những thông tin không đầy đủ về nhu cầu của thị trường lao động, cũng như bức tranh phong phú của các ngành nghề. Để tư vấn chuyên sâu đòi hỏi đầu tư về thời gian, thậm chí là ngay từ lớp 10, suốt quá trình học phổ thông chứ không chỉ ở năm lớp 12.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
5
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

Sáng 17/4, đoàn khảo sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy do Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chủ trì có buổi khảo sát việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy (khóa XVI) với Đảng ủy, Ban Giám hiệu và cán bộ chủ chốt Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế.

Cần phát huy vai trò của cơ sở đào tạo nghệ thuật hàng đầu

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top