ClockThứ Bảy, 24/09/2022 07:00

Áp lực tỷ giá

TTH - Sức ép lên tỷ giá trong năm nay có thời điểm VND có thể mất 2,5%-3% so với USD; song kỳ vọng sẽ dịu bớt vào cuối năm…

Áp lực lạm phát đẩy lãi suất, tỷ giá tăng

 Kiểm đếm USD tại Techcombank Huế

Tuần qua, tỷ giá trung tâm và tỷ giá USD/VND tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng như thị trường tự do trên địa bàn thành phố Huế đồng loạt tăng mạnh, có thời điểm chạm ngưỡng gần 24.000 VND/USD và ở mức cao nhất 3 năm qua. Trong tháng 8-9/2022, tỷ giá tại các NHTM tăng liên tục, dù đầu tháng 9 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã nâng tỷ giá bán USD tại Sở giao dịch lên mức 23.700 đồng (từ mức 23.400 đồng). Gần nửa năm qua, đây là lần tăng giá bán USD thứ 3 của NHNN.

Theo lãnh đạo NHNN Thừa Thiên Huế, USD đang tăng giá rất mạnh trên thị trường tài chính toàn cầu do nhận được sự hỗ trợ từ động thái tăng lãi suất nhanh và mạnh của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Tuy nhiên, nhìn chung tỷ giá trong nước vẫn được duy trì ổn định. Có được điều này một phần nhờ sự điều hành chủ động, linh hoạt của NHNN với cơ chế tỷ giá trung tâm được ấn định hàng ngày, có tăng, có giảm theo sát diễn biến thị trường trong nước và thế giới. Với nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào, NHNN có đủ nguồn lực để can thiệp nhằm ổn định thị trường.

Gần đây, bắt đầu có những tranh luận về chính sách tỷ giá. Một luồng quan điểm cho rằng, nhiều đồng tiền của đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và châu Âu đều đang mất giá từ vừa (vài phần trăm), đến mạnh (10-22%) so với USD. Điều đó dẫn đến một sức ép phải phá giá. Ngược lại, có quan điểm như ông Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia: Giữ tỷ giá ổn định là “phòng tuyến” cho lạm phát. Nếu vỡ phòng tuyến tỷ giá này thì lạm phát sẽ “tràn vào”.

Tỷ giá đô la Mỹ trên thị trường tự do có thời điểm chạm ngưỡng gần 24.000 VND

Tại diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 mới đây, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, nhiều khả năng lạm phát năm nay sẽ ở mức 3,8-4,2% như dự báo. Với mức lạm phát này, tỷ giá hối đoái sẽ biến động ở mức 2%-2,5%, tức là chỉ xoay quanh mức như hiện nay. Trong trường hợp có biến động lớn về tỷ giá, NHNN sẽ có một lượng dự trữ ngoại tệ làm cho tỷ giá trở lại ổn định như chúng ta đã làm trong 2 quý gần đây. Để chủ động ứng phó với tỷ giá, các doanh nghiệp (DN) nên chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất khẩu, nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi nhất.

Theo các chuyên gia phân tích tại diễn đàn nói trên, hiện khoảng 2/3 tổng số hợp đồng thương mại xuất nhập khẩu thanh toán bằng USD. Việc tiền đồng từ đầu năm đến nay mất giá gần 4% so với USD đang tạo áp lực chi phí với các DN nhập khẩu nguyên vật liệu, hàng hóa thanh toán bằng USD. Theo nhiều DN, các sản phẩm nhập về bị tăng giá khoảng 1,5 - 2% (chưa gồm việc tăng giá chi phí vận chuyển, các chi phí khác). Ở chiều ngược lại, nhà xuất khẩu hàng hóa được hưởng lợi khi USD đi lên nhưng tác động không chỉ có một chiều. Vì giá USD tăng, các DN xuất khẩu cũng sẽ chịu áp lực tăng chi phí nhập khẩu nguyên phụ liệu (DN xuất khẩu của chúng ta thường có tỷ trọng nhập khẩu nguyên phụ liệu rất lớn).

“Hiện NHNN đứng trước 2 khó khăn. Đó là, nếu ổn định tỷ giá thì phải can thiệp, mà can thiệp trong bối cảnh xuất khẩu của Việt Nam thì không dễ dàng gì. Do đó, NHNN nên nghiên cứu để mở rộng đối tượng cho vay ngoại tệ xem như là cầu về ngoại hối hiện nay sẽ di chuyển vào trong tương lai”, một chuyên gia đề xuất.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán ACB (ACBS) - thành viên của Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân (SWIFT) cho rằng: NHNN sẽ khó duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới vì Fed có thể sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất nữa từ giờ cho tới cuối năm, gây áp lực mất giá lên tỷ giá VND/USD và NHNN sẽ phải giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng dương nhằm hỗ trợ tỷ giá VND/USD.

Về mặt nguyên lý, muốn kiểm soát lạm phát phải tăng lãi suất, nhưng chúng ta đang trong giai đoạn nền kinh tế cần kích cầu tăng nguồn lực phục hồi sau đại dịch, trong đó có gói hỗ trợ giảm lãi suất. Nếu tăng lãi suất sẽ đi ngược chủ trương hỗ trợ để phục hồi nền kinh tế. Điều hành của Chính phủ để giữ lạm phát ở mức mục tiêu sẽ phải đi vào nhiều giải pháp tổng hợp chứ không thể trông vào việc tăng lãi suất, bởi áp lực lạm phát tại Việt Nam không phụ thuộc nhiều vào cung tiền. Vì vậy, cần quản lý dòng tiền để không chảy vào khu vực đầu cơ. Biện pháp tốt nhất hiện nay là kiểm soát về giá cả sẽ giúp cho nền kinh tế vẫn tiếp tục phục hồi, với giá vốn hợp lý mà lạm phát vẫn được kiểm soát…

Trong hai ngày 20 và 21/9, Fed tiến hành phiên họp chính sách tháng 9, gần như quyết định tăng lãi suất sẽ được đưa ra sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 của Mỹ tăng nhanh hơn dự kiến. Fed tăng lãi suất với 0,75%; khiến áp lực lên tỷ giá ngày càng tăng.

Bài, ảnh: Bạch Quang

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Hoãn đấu thầu vàng: Doanh nghiệp không mặn mà hay đang 'nghe ngóng'?

Do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên Ngân hàng Nhà nước đã hủy thông báo đấu thầu vàng vào 10h sáng nay (ngày 22/4); đồng thời, công bố sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng mai, thứ Ba, 23/4.

Hoãn đấu thầu vàng Doanh nghiệp không mặn mà hay đang nghe ngóng
Doanh nghiệp du lịch 'khóa sổ' tour đi Điện Biên

Theo đại diện các công ty du lịch tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu đi du lịch Điện Biên trong dịp Lễ 30/4 và 1/5 nhân kỉ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024) đang tăng cao và các đường tour du lịch đến Điện Biên hiện đã kín chỗ. Vì vậy, hầu hết các công ty du lịch đã có thông báo ngưng nhận khách.

Doanh nghiệp du lịch khóa sổ tour đi Điện Biên
Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội

Đó là yêu cầu của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban đại diện HĐQT Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình tại phiên họp Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh nhằm đánh giá kết quả hoạt động quý I/2024 và triển khai nhiệm vụ các tháng còn lại năm 2024, tổ chức chiều 17/4.

Gắn hoạt động tín dụng chính sách với thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội
Return to top