ClockThứ Bảy, 29/11/2014 17:21

10 bài minh khắc trên biển đồng ở Trai Cung của vua Thiệu Trị

TTH - Trai cung là một công trình kiến trúc quan trọng của triều Nguyễn, đây là nơi trai tịnh và nghỉ ngơi của các vua khi đến tế Nam Giao.

Xung quanh Trai Cung được trồng nhiều thông, trải qua các đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức đều có trồng mới. Thời vua Minh Mệnh, vua cũng đã làm 10 bài minh khắc trên thẻ đồng và treo trên các cây thông ở Trai Cung. Đến thời vua Thiệu Trị, học theo cách của vua cha, vua Thiệu Trị cũng đã làm 10 bài minh như vậy, 10 bài minh này cũng được khắc trên biển đồng và treo trên những cây thông, ở Trai Cung. Ngoài việc làm thơ treo ở cây thông ,vua còn ban sắc dụ về việc quy định kích thước của từng thẻ đồng. “Thiệu Trị năm đầu (1841), xuống sắc rằng: chuyến này hoàng tử, hoàng đệ trồng thông, về khoản làm thẻ đồng, hoàng tử, hoàng đệ đã phong tước rồi thì bất tất phải đề những chữ hoàng tử, hoàng đệ lồng vào với tước, còn những người chưa phong, thì đề là hoàng tử thứ mấy, hoàng đệ thứ mấy. Lại, việc làm thẻ đồng treo là để làm dấu mà thôi, vậy, nay cho phép làm chiều dài, chiều rộng hơi nhỏ đi và chiều dày cũng hơi mỏng. Còn cái vòng thì cứ theo mẫu cũ.[1, tr 326]

Tùng là loại cây được liệt vào 4 bốn loại cây được ưa chuộng, gồm tùng, cúc, trúc, mai. Cây tùng tượng trưng cho sự bền bỉ, sức mạnh rắn rỏi, thanh khiết, cây đã được đi vào nhiều áng văn thơ của các thi sĩ. Vua Minh Mệnh cũng có đến 17 bài thơ nói về loại cây này.
Đối với vua Thiệu Trị, việc sáng tác 10 bài minh này thứ nhất là noi theo Thánh chế, tức là học theo vua cha; thứ hai, để răn dạy con cháu, quần thần; thứ ba là để ca ngợi đế đô, ca ngợi bản triều; thứ tư cầu mong cho đất nước thanh bình yên ổn.
(Nghênh tuân Thánh chế ư Trai Cung tài tùng thập chu các minh đồng bài huyền thị lai hứa), Noi theo Thánh chế trồng 10 cây thông ở Trai Cung khắc bài minh lên các biển đồng treo để ca ngợi.
Bài 1
Noi theo gia pháp,
Ngự giá Trai Cung.
Thân trồng cây tốt,
Mãi sánh cung vua.
Bài 2
Rễ thiêng cuộn đất,
Bóng mát trùm trời.
Tiêu biểu của nước,
Nơi đây muôn đời.
Bài 3
Đứng đầu trăm cây,
Muôn đời trường tồn.
Ngày tháng gánh vác,
Vươn thẳng đất trời.
Bài 4
Cái đạo tài thành,1
Công lao phụ tướng.
Lá quanh cành gốc,
Đất nước vững mạnh.
Bài 5
Cây xanh tươi tốt,
Sức khỏe còn mãi.
Trời đất lâu bền,
Đất nước yên bình.
Bài 6
Gần dựa trai đàn,
Ơn thấm trời đất.
Làm xà làm cột
Nền móng quốc gia.
Bài 7
Quân tử minh triết,
Đại phu chính trực.
Phụ trợ đất nước,
Như là trọng thần.
Bài 8
Cành cây rậm rạp,
Đông đúc hiền lương.
Giúp nước giúp ta,
Mãi hầu quân vương.
Bài 9
Gốc rễ khỏe khoắn,
Cành lá tốt tươi.
Nhớ nhung mến mộ,
Nối dài tiếng thơm.
Bài 10
Mở mang ân huệ,
Vun trồng vinh quang.
Một gốc muôn lá,
Trăm đời vô cương.
Đúng như mục đích của vua Thiệu Trị khi viết những bài minh này, những cây thông là đối tượng chính, nhưng bên cạnh đó là một hàm ý sâu sắc mà vua muốn nói đến. Trai Cung ở cạnh đàn Nam Giao, đây là nơi quan trọng của triều đình dùng để kính cáo trời đất. Nơi đây cũng là nơi dùng để vua nghỉ ngơi trai tịnh trước và sau khi tế trời đất. Với tầm quan trọng như vậy, các vua triều Nguyễn đều quan tâm đến Trai Cung. Đặc biệt, nơi đây được trồng rất nhiều thông, đến nay vẫn còn rất nhiều cây to, hơn thế nữa với lệ đeo thẻ bài cho thông, nhiều cây thông đã được đánh số, khắc những bài thơ, bài minh của vua và hoàng thân quốc thích cùng tầng lớp văn võ bá quan. Tiếc rằng trải qua thời gian và sự bảo quản không tốt nên đa phần những thẻ đồng đã bị mất hết. May mắn những bài minh của vua Minh Mệnh và Thiệu Trị chúng tôi đều đã sưu tầm được, nhân đây chúng tôi xin giới thiệu 10 bài minh này.
_________
(1) Vua Thiệu Trị có làm riêng tập thơ Ngự chế tài thành phụ tướng thi tập, có 1 bản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV Đà Lạt.
Tài liệu tham khảo
[1]. Nội các triều Nguyễn, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ (bản dịch năm 2005, tập 8), Nxb Thuận Hóa.
[2]. Thiệu Trị, Ngự đề nhân vật đồ hội thi tập, kí hiệu A.1412, Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
Nguyễn Huy Khuyến
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản

Sáng 17/2, thầy giáo Nguyễn Văn Tuân, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Phú Lộc (huyện Phú Lộc) cho biết, cây bàng cổ thụ trong trường vừa được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây Di sản Việt Nam.

“Cụ” bàng trong trường học được công nhận cây Di sản
Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh

Chiều 12/1, tại Nhà hát Duyệt Thị Đường, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế tổ chức Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư dự án Tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích điện Cần Chánh. Tham dự, có các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá - lịch sử cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Báo cáo nghiên cứu đầu tư dự án phục hồi di tích điện Cần Chánh
Núi Bân & lễ hội Quang Trung tại Huế

Cùng với Hà Nội và Bình Định, Huế tự hào có khu tưởng niệm và lễ hội Quang Trung gắn với sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, xuất quân ra Bắc Hà, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược.

Núi Bân  lễ hội Quang Trung tại Huế
Return to top